Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phát triển kinh tế nông nghiệp: Hướng đến chuyên nghiệp hóa người nông dân
Một trong những mục tiêu chiến lược được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đến năm 2030 chính là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với phát huy các tiềm năng, lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và sức cạnh tranh cao. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Muốn hoàn thành mục tiêu quan trọng này, người nông dân phải được chuyên nghiệp hóa, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp.
Nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Lợi) sử dụng máy bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: M.Đ
HIỆU QUẢ TỪ MỘT ĐỀ ÁN
Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, sản xuất nông nghiệp chính là trụ đỡ quan trọng và quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 thì riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã chiếm đến 2 trụ cột. Đó là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển kinh tế biển. Qua đó cho thấy, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và tạo nên những hệ lụy làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững. Đó là tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, hủy hoại và làm cạn kiệt, lãng phí nguồn tài nguyên, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường do chính tập quán canh tác của quá trình sản xuất gây ra…
Tất cả những nguyên nhân, hạn chế trên đều bắt nguồn từ nhận thức của người nông dân. Vì vậy, việc tạo ra một cuộc cách mạng trong sản xuất bằng chính nâng cao nhận thức về sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh, chấp nhận các quy định và cả “luật chơi” khắt khe về thị trường và hình thành nên các chuỗi liên kết bền chặt đã đến lúc cần phải làm ngay. Có vậy, mục tiêu làm kinh tế nông nghiệp mới khả thi và hình thành nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định.
Song, muốn làm được việc này không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp trong tham gia liên kết sản xuất. Điển hình như Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề (Bode Group) đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai khai Đề án Chuyên nghiệp hóa người nông dân. Đây là tập đoàn tiên phong và duy nhất được tỉnh chọn để triển khai đề án này. Theo đó, Tập đoàn Bồ Đề đã ký kết hợp tác với Hội Nông dân thực hiện đề án này giai đoạn 2019 - 2023.
Mục tiêu của đề án chính là làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm và không ngừng nâng cao trình độ sản xuất phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu gắn với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước. Qua triển khai đề án ở các hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai bước đầu đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi.
Ông Dương Văn Hào - Chủ tịch HĐQT HTX Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long), cho biết: “Từ khi liên kết hợp tác với Tập đoàn Bồ Đề đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nông dân. So với trước đây, nông dân đã quan tâm đến quản lý và bảo vệ môi trường, không sử dụng các loại hóa chất cấm không rõ nguồn gốc mà tập trung sản xuất tôm sạch theo quy trình của Bồ Đề. Các thành viên HTX tham gia đề án đều trúng tôm, giá bán tôm nguyên liệu cao hơn thị trường và cách làm này đang được HTX phát huy, nhân rộng”.
TRÍ THỨC HÓA NGƯỜI NÔNG DÂN
Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững Bạc Liêu gắn với mục tiêu “trí thức hóa nông dân”, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân gắn với đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số.
Bên cạnh đó, tăng tỷ trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư vào khoa học - công nghệ. Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp có tính chất quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành Nông nghiệp. Tập trung nguồn lực, triển khai có hiệu quả một số chương trình nghiên cứu lớn; ưu tiên nghiên cứu phát triển hệ thống sản xuất sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản, giảm tổn thất, lãng phí trong hệ thống lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ thông tin trong các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững…
KIM TRUNG
Ông Trương Thanh Nhã - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Nâng cao tư duy, hiểu biết về kinh tế nông nghiệp
Bạc Liêu là tỉnh có cơ cấu kinh tế đặc thù chuyên về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn lại là sản xuất nhỏ lẻ, nông dân chỉ sản xuất thuần túy, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất và đặc biệt là kỹ năng quản trị, tiếp cận thị trường còn rất hạn chế. Cùng với sự biến đổi bất lợi của thời tiết, môi trường, dịch bệnh… đã đặt ra yêu cầu là phải làm sao giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã nhận thấy và rất quan tâm đến vấn đề này. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng tập trung tạo ra giá trị và lợi nhuận mà không chạy theo năng suất, sản lượng, trên cơ sở tận dụng lợi thế, nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm sản xuất bền vững.
Song, để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa người nông dân; nâng cao tư duy, hiểu biết về kinh tế nông nghiệp; nâng cao khả năng quản trị, tiếp cận thị trường và đặc biệt là phải tham gia kinh tế tập thể, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh…
Vì vậy, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các quy hoạch, quy định, hướng dẫn phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hàng hóa giúp nông dân an tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, Quỹ hỗ trợ nông dân giải ngân trên 17 tỷ đồng khuyến khích các mô hình sản xuất có hiệu quả như: tôm - lúa, dưa lưới, sản xuất lúa chất lượng cao, rau màu an toàn sinh học…
Đặc biệt, vận động hội viên, nông dân phát triển từ đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên không gây ảnh hưởng tới sức khỏe, ô nhiễm môi trường…
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh