Phát triển mô hình canh tác lúa ST24, ST25: Liên kết chuỗi có vai trò quyết định

Thứ Hai, 08/03/2021 | 17:50

Với mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và hướng nông dân vào sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra sản phẩm cạnh tranh mang lại nhiều lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, từ năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng sản xuất giống lúa ST24, ST25 ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL)1A. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược cho kinh tế của vùng Bắc.

Máy sạ lúa theo khóm góp phần làm tăng hiệu quả vùng đất làm 2 - 3 vụ lúa/năm ở huyện Hòa Bình.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TIÊU BIỂU

Với mục tiêu, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất lúa hàng hóa theo nhu cầu của thị trường và không ngừng nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến phát triển bền vững, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 854 về kế hoạch “Xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST24, ST25 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.

Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng mô hình canh tác giống lúa ST24, ST25 trên vùng sản xuất lúa - tôm và vùng chuyên canh sản xuất lúa từ 2 - 3 vụ/năm tại 5 địa phương trong tỉnh, gồm: TX. Giá Rai, các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi và Hòa Bình. Qua đó giúp nông dân trong vùng áp dụng và nhân rộng để trở thành mô hình sản xuất tiêu biểu cho cả vùng Bắc.

Mô hình canh tác giống lúa ST24, ST25 tuy mới triển khai trên đồng đất Bạc Liêu, nhưng bước đầu đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi. Theo đánh giá của cán bộ phụ trách mô hình và những hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, giống lúa ST24 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, đặc biệt là khả năng chịu phèn rất tốt, dễ canh tác. Không chỉ thế, giống lúa ST24 còn có các ưu điểm vượt trội hơn so với các giống OM18, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, Bảy Hóa như: giảm giống, giảm phân, đặc biệt là rất ít nhiễm sâu bệnh. Nông dân khi canh tác ST24, ST25 đã giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 3 lần, trong đó giảm 2 lần phun thuốc trừ bệnh và một lần phun thuốc trừ sâu.

Bên cạnh đó, ST24, ST25 còn có khả năng đẻ nhánh tốt, lượng phân bón sử dụng cũng ít hơn so với các giống lúa khác trong vùng. Do giảm lượng giống, phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên đã hạn chế được nạn ô nhiễm môi trường đất, nước và an toàn cho người sản xuất. Cũng như giúp nông dân giảm được những khoản chi phí phát sinh không đáng có và tăng thêm lợi nhuận.

Ở vụ mùa hè thu vừa qua, nếu như không bị ảnh hưởng bởi thiên tai thì sẽ là vụ mùa bội thu cho nông dân tham gia mô hình vì vừa trúng mùa, trúng giá, với năng suất dự kiến thu hoạch đạt từ 6 - 8 tấn/ha.

Qua đánh giá về hiệu quả sản xuất thì canh tác lúa ST24, ST25 được xem là mô hình mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và cả môi trường so với sản xuất các giống lúa truyền thống. Điển hình như hộ nông dân Lý Văn Tú (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) đạt năng suất 6,6 tấn và cho lợi nhuận gần 24 triệu đồng/ha. Cụ thể, lấy mức giá bán bình quân 7.000 đồng/kg lúa ST24, Một bụi đỏ giá 6.500 đồng/kg thì lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 3 triệu đồng/ha và về hiệu quả kinh tế thì ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà khoảng 4,7 triệu đồng/ha.

Điều đáng nói, hiệu quả mang lại nhiều nhất cho mô hình canh tác giống lúa ST24 và ST25 chính là tạo được sự liên kết trong cộng đồng, giúp nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để cùng nhau nâng cao thu nhập cho gia đình. Cũng như góp phần làm thay đổi dần về nhận thức, tập quán sản xuất, hướng nông dân vào sản xuất tập trung các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm trên vùng sản xuất lúa - tôm. Ảnh: C.L

TĂNG TÍNH BỀN VỮNG CHO MÔ HÌNH LIÊN KẾT

Một trong những mục tiêu quan trọng quyết định đến hiệu quả, tính bền vững và khả năng  nhân rộng mô hình giống lúa ST24, ST25 là xây dựng mô hình sản xuất liên kết chuỗi, nhằm chuyển đổi từ nền sản nhỏ sang sản xuất hàng hóa lớn mang tính cộng đồng. Trong đó, vai trò của người nông dân không ngừng được phát huy.

Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã vận động, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho nông dân với diện tích 3.500ha. Cụ thể, 1.570ha tại huyện Hồng Dân được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết bao tiêu 1.500ha và Công ty Cổ phần gạo Ông Thọ 70ha; huyện Phước Long được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Cường ký kết bao tiêu 1.407ha cùng với Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú ký kết bao tiêu 150ha tại HTX Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long); Công ty Thiên Lộc Phú ký kết bao tiêu 372ha trên địa bàn TX. Giá Rai.

Để góp phần khuyến khích nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp, ngoài phần Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị lúa giống và thuốc bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp nhận bao tiêu sẽ ký hợp đồng cho nông dân tạm ứng trước 50% giá trị lúa giống còn lại. Đồng thời, cung cấp phân bón theo quy trình và đến khi thu hoạch lúa sẽ thu hồi lại. Đặc biệt, giá lúa được các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu ngay từ đầu vụ với mức giá 6.500 đồng/kg, đảm bảo cho nông dân sản xuất có lãi.

Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là khi bước vào giai đoạn thu hoạch, cùng lúc giá lúa trên thị trường tăng mạnh (trung bình từ 7.000 - 7.800 đồng/kg, có nơi thu mua 8.000 đồng/kg), nhiều nơi nông dân “bẻ kèo” và yêu cầu doanh nghiệp phải thu mua theo giá trị trường thay vì thu mua theo giá đã ký kết hợp tác trước đó. Thậm chí có hộ còn lợi dụng đêm tối, đưa máy cắt vào thu hoạch và xuất bán cho thương lái ngay trong đêm để tránh bị phát hiện. Hoặc chỉ đồng ý cắt bán một phần diện tích, phần còn lại thì đổ cho việc để dành lúa làm giống hay để lại ăn trong gia đình.

Ông Phạm Vũ Phong - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Bình Tốt (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), chia sẻ: “Lúc ký hợp đồng bao tiêu với HTX, bà con nông dân ai cũng vui mừng vì cuối vụ sẽ bán được giá cao, còn đầu vụ thì khỏi phải lo về giống. Nhưng khi giá lúa bất ngờ tăng cao, cộng với việc bị “cò lúa” chào mời nhiệt tình nên nhiều bà con đã không làm đúng thỏa thuận ban đầu mà lén lút bán lúa cho thương lái bên ngoài. Khi biết tin này, phía chính quyền địa phương và đại diện HTX cũng đã xuống làm việc với những hộ này nhưng “việc đã rồi” nên cũng không làm gì được”.

Tương tự, với hơn 1.500ha bao tiêu lúa ST24 ở huyện Hồng Dân, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng bị đẩy vào cảnh khó khăn và công ty phải tổ chức đoàn đi vận động từng nhà “xin dừng phá vỡ hợp đồng”. Ông Nguyễn Vũ Phong - cán bộ kỹ thuật phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty Lộc Trời, cho biết: “Khi giá lúa tăng, phía công ty đã chủ động xuống từng hộ dân nằm trong vùng bao tiêu để thỏa thuận lại giá với mức giá bao tiêu mới là 7.300 đồng/kg, thế nhưng có rất ít hộ chịu bán lúa cho công ty với mức giá này. Trong khi đó, lúa trên đồng đã đến kỳ thu hoạch, nguy cơ mất vùng nguyên liệu là rất lớn”.

Từ thực trạng trên cho thấy, nhiều nông dân đã đẩy các doanh nghiệp và HTX vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vì khi ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã chủ động về sản lượng cung và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu với các đối tác trong, ngoài nước. Đây chính là nguyên nhân làm cho mô hình liên kết chuỗi không bền vững và chưa hình thành nên trách nhiệm, nghĩa vụ trong thực hiện các cam kết thương mại. Đồng thời, hạt lúa và tương lai là con tôm sạch trên đất lúa của Bạc Liêu sẽ khó vươn xa khi tư tưởng “ăn xổi ở thì” của một bộ phận nông dân vẫn còn tồn tại và gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của nông dân Bạc Liêu nói chung.

Theo ông Trịnh Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Doanh nghiệp có lợi thế về tài chính, thị trường, còn nông dân có đất và kinh nghiệm sản xuất. Để xây dựng được liên kết bền vững, doanh nghiệp và  nông dân cần thực hiện đúng cam kết của mình, có tiếng nói chung, giải quyết hài hòa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm cùng nhau. Đây chính là động lực để thắt chặt, củng cố mối liên kết và niềm tin, nhằm góp phần đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững”.

Bạc Liêu đang tích cực xây dựng và phát triển mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, do vậy, việc thực hiện thành công mô hình liên kết chuỗi chính là yếu tố nền tảng cho thành công của mô hình này. Với ý nghĩa đó, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nông dân cần được quan tâm và đã đến lúc nói không với tình trạng vi phạm các hợp đồng bằng việc không thực hiện các chính sách hỗ trợ, đưa những nông dân ra ngoài các HTX nếu như căn bệnh “bẻ kèo” vẫn trị không khỏi!

LƯ TRUNG - CHÍ LINH

Theo kế hoạch phát triển và nhân rộng giống lúa ST24, ST25 năm 2021, Bạc Liêu sẽ sản xuất trên diện tích hơn 11.800ha (vùng ngọt ổn định 3.500ha và vùng lúa - tôm 8.300ha). Trong đó, phát triển mới 8.300ha, gồm: vùng ngọt ổn định 3.500ha, vùng lúa - tôm 4.800ha. Tuy nhiên, các địa phương như: TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân đang kiến nghị UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp mở rộng thêm khoảng 4.000ha so với kế hoạch. Cùng với đó, Bạc Liêu sẽ xây dựng nhiều cánh đồng lớn và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu 100% sản phẩm cho nông dân.

Hiện, UBND tỉnh đã có Quyết định hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp và các địa phương hơn 28,9 tỷ đồng từ Chương trình phát triển cây lúa nước để hỗ trợ nông dân ứng dụng rộng rãi máy sạ theo khóm để canh tác lúa ST24, ST25 theo mô hình liên kết sản xuất hàng hóa lớn.

Nông dân huyện Hồng Dân vận chuyển lúa ST24, ST25 bán cho doanh nghiệp. Ảnh: Lư Dũng - Lê Hữu

Ông Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu: Đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất

Để phát huy và tiếp tục nhân rộng mô hình canh tác lúa ST24, ST25 trong năm 2021 thì việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân rất cần thiết. 

Bởi thực tiễn cho thấy, trong vụ hè thu năm 2020 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa tại tỉnh Bạc Liêu” tại HTX Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Hòa Bình (ấp 38, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) và đã đạt được thành công nhất định. Trong đó, hiệu quả về ứng dụng máy sạ theo khóm khi canh tác lúa ST24, ST25 mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, với lượng giống sử dụng chỉ 55kg/ha, thay vì từ 70 - 100kg/ha; Giảm lượng phân bón được 17kg N/ha, 17kg P2O5/ha, 8kg K2O/ha, giảm 2 lần phun thuốc trừ bệnh so với lúa canh tác đại trà. Năng suất đạt từ 6,4 - 7,0 tấn/ha, cao hơn 486kg/ha và tăng hiệu quả kinh tế hơn 5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Đặc biệt, ruộng sạ bằng máy vẫn có xuất hiện bệnh nhưng ít hơn và mật độ thấp; cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cứng cây và lúa không bị đổ ngã so với ngoài mô hình.

Cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa, cần quy hoạch xác định vùng có khả năng phát triển lúa ST24, ST25 để trên cơ sở đó xây dựng vùng chuyên canh tập trung với quy mô vừa phải. Đồng thời đánh giá tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Tiếp tục nâng cấp, xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa - tôm; bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng vùng. Triển khai công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến từng hộ nông dân trong vùng về định hướng sản xuất tôm - lúa, ứng dụng rộng rãi toàn bộ theo hướng nông sản sạch, an toàn, đạt chất lượng xuất khẩu và tuyên truyền nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nông sản chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.