Phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch: Cần giải pháp căn cơ cho toàn vùng

Thứ Sáu, 11/02/2022 | 15:21

Tại hội thảo “Phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng Mê Kông - Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và tích hợp đa giá trị” được tổ chức tại Bạc Liêu mới đây, các nhà khoa học nghiên cứu về vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều cho rằng: Canh tác lúa - tôm là mô hình thích ứng khá tốt với tình hình biến đổi khí hậu, giúp nông dân từng bước làm quen với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần nâng cao thu nhập và hơn hết là làm ra các sản phẩm “thuận thiên” để hướng đến xây dựng thương hiệu cho hạt lúa, con tôm sạch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình sản xuất lúa - tôm ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân).

LIÊN KẾT ĐỂ TẠO ĐẦU RA

Ở Bạc Liêu, mô hình lúa - tôm được nông dân áp dụng từ năm 2001. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất tôm - lúa khá nhanh, từ 5.851ha ban đầu đã tăng lên 39.578ha vào năm 2020. Đến năm 2021, diện tích mô hình lúa - tôm tiếp tục phát triển và mở rộng, đạt 39.404ha, chiếm hơn 33% diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Hiện mô hình này cho tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: “Mô hình tôm - lúa là mô hình bền vững, hiệu quả, là mô hình “thông minh” tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với Quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Có thể khẳng định, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình “lúa thơm - tôm sạch” của tỉnh Bạc Liêu và cả vùng ĐBSCL”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt cung cấp cho các mô hình canh tác lúa - tôm luân canh không còn thuận lợi, điều kiện sinh thái vùng nuôi thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Do đó đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ cho toàn vùng. Cụ thể là cần phải thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Nhựt Long (Khoa Thủy sản Trường đại học Cần Thơ), mô hình sản xuất lúa - tôm cần được tính toán kỹ về tính ổn định. Quan trọng nhất là có xuất khẩu được sản phẩm hay không. “Hiện nay, bà con mình đã trồng được lúa thơm, nuôi được tôm sạch nhưng vấn đề đầu ra cho các sản phẩm này còn rất bấp bênh, gần như bị động hoàn toàn trong việc xuất bán các sản phẩm mình làm ra. Cho nên, để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả và giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, ngành chức năng cần có giải pháp liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, Tiến sĩ Dương Nhựt Long chia sẻ.

Mô hình lúa thơm - tôm sạch ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO CẢ TÔM VÀ LÚA

Bên cạnh đó, chất lượng tôm giống, lúa giống cũng là vấn đề được nhiều đại biểu tại hội thảo quan tâm. Bởi đây là khâu đầu vào quan trọng để phát triển mô hình. Theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): “Bạc Liêu là một trong những địa phương sản xuất tôm giống đứng trong tốp đầu của cả nước. Song, chất lượng con giống cũng cần được chú trọng quan tâm để có thể sản xuất ra nguồn tôm giống chất lượng, đáp ứng tốt mô hình luân canh lúa - tôm không chỉ trong tỉnh mà cho cả các tỉnh, thành lân cận”. Còn kỹ sư Hồ Quang Cua (cha đẻ của 2 giống lúa ST24 và ST25) thì cho rằng: Vấn đề trị thủy, điều tiết nguồn nước cho các vùng luân canh lúa - tôm là một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển mô hình này một cách bền vững cả hiện tại và trong tương lai. Song song đó, các địa phương cũng cần tạo điều kiện, hỗ trợ để người dân có điều kiện tiếp cận các kiến thức canh tác mới, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các mô hình canh tác hữu cơ”.

Trong khi đó, cũng có nhiều đại biểu quan ngại về việc người dân đang dần xem cây lúa là cây trồng phụ, trồng để lấy rơm, rạ phục vụ cho vụ tôm mà không mấy mặn mà đến việc nâng cao năng suất, chất lượng của cây lúa. Chính suy nghĩ này của một bộ phận nông dân đang đặt mô hình lúa - tôm vào thế khó, khả năng phá vỡ việc luân canh là hiện hữu. Trên cơ sở đó, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất để vừa đảm bảo sản lượng, vừa giúp xây dựng thương hiệu cho lúa - tôm sạch vùng Mê Kông. Ông Trần Văn Thân (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) đúc kết: “Chỉ trồng lúa mà không nuôi tôm thì lúa không trúng, còn chỉ nuôi tôm mà không trồng lúa thì chỉ vài mùa là tôm nuôi bị dịch bệnh rồi chết hàng loạt. Chính vì thế nó mới là mô hình luân canh, bổ trợ cho nhau. Tôi thấy từ khi chuyển sang mô hình này đời sống bà con mình khấm khá hẳn lên. Phải cố gắng giữ cho mô hình này phát triển bền vững không bị phá vỡ mới đảm bảo đời sống kinh tế ổn định lâu dài”.

LINH ĐẠT

---------------------------------------

Phát biểu kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Lúa - tôm là mô hình giúp nông dân sống khỏe, có thu nhập cao, nhưng như thế là chưa đủ. Mô hình này là minh chứng điển hình về đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy tất cả mọi người từ nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cần chung tay chắp cánh nâng cao giá trị của mô hình này trên cả khía cạnh lợi nhuận kinh tế cũng như môi trường. Phải làm sao để tâm huyết của các nhà khoa học đến được với nông dân, biến những ý tưởng thành hiện thực, mang lại lợi ích cho xã hội. Muốn làm được điều này, cần quan tâm tổ chức lại đời sống cũng như sản xuất của nông dân. Tôi đề nghị cần có những cách làm cụ thể, sáng tạo, phù hợp với trình độ của nông dân để họ có thể hiểu, thực hiện có hiệu quả những vấn đề mà các nhà khoa học đề ra. Đa số nông dân còn xa lại với những thuật ngữ của nhà khoa học, xa lạ với những thuật ngữ của các kỹ sư, mà khi nông dân không hiểu thì họ sẽ làm theo cách của họ, từ đó mà hiệu quả không cao. Do đó, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp xuống nông dân, phải nói bằng ngôn ngữ của nông dân thì mới hiểu được nông dân”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.