Phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - cải tiến kết hợp: Cần quan tâm môi trường và quản lý quy hoạch

Thứ Hai, 19/06/2023 | 15:58

So với những mô hình nuôi tôm khác, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) và cải tiến kết hợp (CTKH) được xem là mô hình nuôi tiên phong của tỉnh từ trước những năm thực hiện chuyển đổi sản xuất. Song, một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là sự phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế của mô hình.

Tôm nuôi CQCT cho kích cỡ to và chất lượng tốt ở TX. Giá Rai.

MÔ HÌNH BỀN VỮNG

Tính đến nay, mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH có tổng diện tích hơn 79.000ha và được khẳng định là mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) mang tính bền vững. Từ khi chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS, nông dân Bạc Liêu đã không ngừng cải tiến, sáng tạo ra những cách làm hay trong việc tiết kiệm chi phí đầu vào, hạn chế dịch bệnh và cải thiện năng suất như: Thiết kế hệ thống ao ương, ao lắng nước, nuôi theo hướng nâng cao mật độ có sử dụng vi sinh định kỳ và bổ sung thức ăn công nghiệp cho con tôm trong giai đoạn ương…

Huyện Đông Hải là địa phương có diện tích nuôi tôm QCCT-CTKH lớn nhất tỉnh và cũng là địa bàn có nhiều mô hình đạt chứng nhận ASC cho con tôm sinh thái. Đến nay, mô hình này đạt diện tích hơn 35.350ha, chiếm gần 90% tổng diện tích NTTS của huyện. Với hình thức nuôi thu tỉa, thả bù, ghép các loại thủy sản khác (cua, cá) cùng với con tôm và gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị đã mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân so với sản xuất lúa trước đây. Cụ thể, mô hình này cho năng suất thu hoạch từ 900kg - 1 tấn (tôm, cua, cá)/ha/năm, lợi nhuận thu lại từ 80 - 90 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có hộ lợi nhuận đạt 100 - 120 triệu đồng/ha, điển hình như hộ ông Dương Minh Đoàn, Hồ Văn Út, Nguyễn Út Nhỏ, Trần Văn Vũ, Trần Tấn Đạt (xã Định Thành) và hộ ông Nguyễn Văn Công (xã An Trạch)…

Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH đã và đang bộc lộ những khó khăn và bất cập. Đa số ao nuôi của người dân còn quá đơn giản, công trình chưa đạt yêu cầu, ít được quan tâm cải tạo và thiếu ao lắng để dự trữ nước. Trang thiết bị phục vụ cho sản xuất chưa đầy đủ nên khi gặp sự cố về thời tiết hay dịch bệnh thì thường xuyên bị động, nhất là những năm xảy ra hạn hán, hoặc ảnh hưởng triều cường dâng cao làm tôm thoát ra ngoài (do bờ bao thấp và ít được nạo vét).

Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân còn chủ quan, làm theo kinh nghiệm, nóng vội thả giống không tuân thủ theo lịch thời vụ, mua giống trôi nổi kém chất lượng trên thị trường, thiếu kiểm dịch trước khi thả nuôi khiến cho tỷ lệ hao hụt cao. Thêm vào đó, một số hộ dân còn thả giống khi nguồn nước chưa được xử lý triệt để nên tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh phát triển và lây lan cao. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH hiện nay đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường nuôi có nguy cơ ô nhiễm cao, nhất là phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát đan xen trong vùng chuyên nuôi tôm QCCT. Ông Đỗ Hoàng Kiên (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) phản ánh: “Từ khi xuất hiện các mô hình nuôi tôm công nghiệp thì tình trạng tôm chết và thất mùa trên diện tích tôm nuôi QCCT tăng cao, do phần lớn các hộ nuôi tôm công nghiệp thải nước tôm chết ra các kênh nội đồng, trong khi tất cả các hộ nuôi tôm QCCT đều phải sử dụng nguồn nước chung này phục vụ cho nuôi tôm”.

Tôm nuôi CQCT cho kích cỡ to và chất lượng tốt ở TX. Giá Rai.

CẦN TUÂN THỦ “3 KHÔNG” VÀ “3 CÓ”

Thực tế từ nuôi tôm QCCT-CTKH cho thấy, mô hình tuy không đòi hỏi nông dân phải bỏ ra nhiều vốn đầu tư hay kỹ thuật nuôi phức tạp như mô hình nuôi tôm công nghiệp, nhưng về cơ bản người nuôi phải nắm được kỹ thuật quản lý, chăm sóc và quy trình nuôi tôm chặt chẽ có tính khép kín. Trong đó, yếu tố môi trường là khâu quyết định mang tính hàng đầu của mô hình nuôi tôm này và có tác động trực tiếp đến hiệu quả, tính bền vững của mô hình.

Trên thực tế, tình trạng “phá rào” và không tuân thủ quy hoạch về vùng nuôi đang có xu hướng gia tăng ở các vùng chuyên canh tôm QCCT-CTKH trước sự “lấn sân” khá nhanh của các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đã phá vỡ đi tính bền vững của mô hình này.

Nguyên nhân của thực trạng này là do xuất phát từ việc chạy theo năng suất, lợi nhuận và bất chấp những quy định, cảnh báo về ô nhiễm môi trường của ngành quản lý. Do  vậy, cùng với tăng cường quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng nuôi, ngành chức năng cũng cần tập trung vào nhiều giải pháp khác để nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả kinh tế cho mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH. Trong đó, ngoài con tôm là vật nuôi chủ lực, cần quan tâm đến những vật nuôi khác cho giá trị kinh tế cao, nhất là con cua biển và cá nâu, cá đối có thị trường tiêu thụ ổn định và giá bán có những thời điểm cao hơn cả giá thu mua tôm nguyên liệu từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.

Thế nhưng, muốn phát triển bền vững mô hình này và phát huy hiệu quả kinh tế từ các vật nuôi khác thì giải pháp chủ động về con giống phải được xem là khâu đột phá. Bởi phần lớn con giống phục vụ cho mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên số lượng không nhiều.

Cá nâu được nuôi chung với con tôm từ mô hình CQCT-CTKT có giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Ảnh: K.T

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư về hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và bản thân nông dân cũng phải tuân thủ các quy trình nuôi đã được chuyển giao thay vì áp dụng các hình thức nuôi truyền thống lâu nay.

Cụ thể, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đó là phải có ao ương, ao trữ lắng nuôi cá để tự làm sạch nước trước khi đưa vào ao ương và ao nuôi. Kênh mương thông thoáng, rộng từ 2 - 4m và có đủ độ sâu từ 1 - 1,5m, cùng bờ bao chắc chắn không bị rò rỉ để giữ được nước.

Ngoài ra, cũng cần áp dụng hình thức ương dưỡng đặc biệt trước để giúp con giống khỏe mạnh, phát triển đồng đều, hạn chế tối đa sự phân đàn và thích nghi với môi trường, nhằm nâng cao tỷ lệ sống, kiểm soát được mật độ thả nuôi sau khi đưa vào vùng nuôi.

Đặc biệt, phải tuân thủ “3 không” và “3 có”. “3 không” là: Không dùng thuốc diệt giáp xác, cá tạp, ốc, rong, tảo trong ao nuôi bằng thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho môi trường; Không thả giống không rõ nguồn gốc xuất xứ và tôm giống không được xét nghiệm, kiểm tra chất lượng trước khi thả nuôi; Không xả nước, bùn thải trong ao trực tiếp ra bên ngoài kênh thủy lợi khi chưa được xử lý. “3 có” là: Có ao trữ lắng và xử lý nước, bùn thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài; Có hiểu biết kỹ thuật áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); Có tổ chức sản xuất theo hình thức cộng đồng thông qua các câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, hiệp hội để hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất, tạo ra hàng hóa lớn, gắn liên kết với doanh nghiệp thông qua sản xuất chuỗi giá trị…

KIM TRUNG

* TS. Nguyễn Xuân Khoa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh: Kiên quyết không sử dụng thuốc kháng sinh cấm

So với các mô hình NTTS khác, mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH phần lớn sử dụng nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên và phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường. Do vậy, cần quan tâm cải tạo môi trường, phát triển và tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên từ việc xây dựng khu nuôi bằng cách bố trí có những chỗ sâu, chỗ cạn để trồng các cây thủy sinh trong vuông tôm như năn bộp (nếu độ mặn thấp), hay năn tượng (hến biển), đặc biệt kiên quyết không sử dụng thuốc kháng sinh cấm… Đồng thời phải nâng cao mật độ nuôi hợp lý, tùy theo khả năng đáp ứng nguồn thức ăn tự nhiên của tôm. Cũng như, trong xử lý môi trường nước cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm vi sinh, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Cypermethrin, Deltamethrin để diệt tạp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm tôm nuôi.

Để mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH phát huy hiệu quả, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên đề, dạy nghề, hội thảo để giúp nông dân thành công trong nuôi tôm. Cũng như, cần tổ chức trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm cho những hộ nuôi tôm với nhau và các nhà khoa học sẽ tham gia giải đáp, bổ sung thêm kiến thức nuôi tôm cho các hộ… Đặc biệt, với xu thế hội nhập và cạnh tranh về chất lượng như hiện nay, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm từng bước “trí thức hóa nông dân”…

Đặc biệt, đẩy mạnh việc liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, trong đó Liên minh HTX tỉnh, các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp cần tiên phong trong việc giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao…

 

* Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải: Tăng cường kiểm tra, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch

Phải khẳng định rằng, với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và hệ thống sông ngòi chằng chịch đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho huyện Đông Hải phát huy thế mạnh trong NTTS, nhất là mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Đông Hải đã tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm cho con tôm quảng canh chất lượng cao.

Đến nay, Đông Hải đã hình thành 3 vùng nuôi tôm nguyên liệu đạt chứng nhận tôm sạch (ASC, GlobalGAP) cho 316 hộ là thành viên HTX, tổ hợp tác với diện tích hơn 865ha và đã triển khai cấp mã số cơ sở nuôi tôm cho 3.456 hộ nuôi.

Hiện nay, huyện Đông Hải đã và đang tích cực thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh - bán thâm; các xã phía Tây là vùng nuôi tôm QCCT-CTKH theo hướng bền vững, chất lượng cao. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ các xã, thị trấn cấp mã số cơ sở nuôi tôm đối với sản phẩm chủ lực của huyện theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 và phấn đấu cuối năm 2023 đạt theo kế hoạch của tỉnh giao.

Song song đó, tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT-CTKH ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh và mô hình QCCT-CTKH (tái sinh rừng) theo tổ hợp tác, HTX gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm. Cũng như, nhân rộng mô hình máy cày phao nổi để cải tạo mặt trảng vuông nuôi tôm để phát huy hiệu quả của khâu cải tạo đất, nhằm tạo độ màu mỡ cho mặt trảng vuông tôm, giúp cho tôm, cua, cá phát triển tốt hơn. Cùng với đó, khuyến cáo bà con nông dân nếu có điều kiện chọn tôm giống gia hóa, sạch bệnh thả nuôi để rút ngắn thời gian nuôi và thu hoạch tôm kích cỡ lớn để tăng năng suất và lợi nhuận trên diện tích sản xuất…

Một trong những vấn đề đang được huyện Đông Hải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính là công tác quản lý quy hoạch vùng nuôi. Bởi qua khảo sát thực tế trên địa bàn huyện, đối với 5 xã phía Tây gồm: An Phúc, Định Thành, Định Thành A, An Trạch và An Trạch A, đã xuất hiện tình trạng người dân thực hiện các mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh tự phát, không theo quy hoạch, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải và vô tư xả thải ra môi trường gây bức xúc trong Nhân dân có chiều hướng gia tăng. Vấn nạn này đã gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường, nhất là nguy cơ lây truyền dịch bệnh toàn vùng nếu không được xử lý và ngăn chặn kịp thời. Để khắc phục tình trạng trên, cùng với tăng cường kiểm tra, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, huyện đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục tuyên truyền, thông báo đến Nhân dân trên địa bàn các xã quy định về Quy hoạch vùng nuôi tôm theo Chỉ thị số 06. Đối với các hộ đang nuôi tôm tự phát trước đây, đề nghị các hộ phải thực hiện thủ tục đăng ký môi trường theo Thông tư 02 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, phải cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện bảo vệ môi trường theo Quyết định 23 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Quyết định 104 của Sở NN&PTNT về việc ban hành hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Có biên bản làm việc cụ thể để làm cơ sở phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý về sau. Trường hợp nếu phát hiện các hộ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh gây ô nhiễm môi trường thì tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.