Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phát triển sản xuất lúa hữu cơ trong vùng đồng bào dân tộc Khmer
Mới đây, Viện Phát triển kinh tế hợp tác thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh đầu tư Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lúa theo chuỗi giá trị tại HTX An Hưng Phát (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng lúa.
Đơn vị cung ứng phân bón hữu cơ hướng dẫn các thành viên HTX An Hưng Phát cách sử dụng phân bón một cách hiệu quả.
TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐẦU TƯ
HTX An Hưng Phát hiện có 87 thành viên với tổng diện tích sản xuất lúa 152ha; trong đó, hơn 90% thành viên là đồng bào dân tộc Khmer. Việc đầu tư dự án nói trên cho HTX An Hưng Phát nhằm mở ra cơ hội để các thành viên HTX chuyển đổi phương thức sản xuất, hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer. Dự án đã bàn giao cho HTX An Hưng Phát 52 tấn phân bón hữu cơ, 10 máy phun thuốc, 10 máy phun phân và 10 máy bơm nước, với tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Những trang thiết bị này không chỉ giúp các thành viên HTX giảm chi phí sản xuất mà còn tăng năng suất lao động, giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Đặc biệt, phân bón hữu cơ hỗ trợ HTX An Hưng Phát là một bước tiến quan trọng trong việc thay thế các loại phân bón hóa học đang sử dụng phổ biến hiện nay. Anh Thạch Quốc Tuấn - thành viên HTX An Hưng Phát có 1ha đang sản xuất lúa Đài thơm 8, cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ phân hữu cơ, máy móc, bà con HTX chúng tôi mừng lắm. Nếu sử dụng phân bón hữu cơ giúp lúa tốt, năng suất, chất lượng cao, tôi và bà con HTX sẽ không sử dụng phân hóa học nữa mà chuyển sang dùng phân hữu cơ bón lúa trong thời gian tới”.
Song song đó, dự án còn tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng mới về sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, cấp và quản lý mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Qua đó, giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác trao tượng trưng các loại máy móc phục vụ sản xuất cho HTX An Hưng Phát. Ảnh: M.Đ
HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ
Việc chuyển từ sản xuất lúa truyền thống sang sản xuất lúa hữu cơ không phải là một quá trình dễ dàng. Vì vậy, đòi hỏi các thành viên HTX An Hưng Phát phải thay đổi nhận thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật mới, và kiên trì theo đuổi các phương thức sản xuất an toàn. HTX sẽ được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tư vấn sản xuất và cung cấp các vật tư, trang thiết bị cần thiết. Sản xuất lúa hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về thực phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, còn góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị hạt lúa.
Ông Hồng Chanh Ly - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hưng Phát, chia sẻ: “HTX chúng tôi rất cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ của Viện Phát triển kinh tế hợp tác Việt Nam. HTX sẽ khuyến khích các thành viên, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Từng bước nâng cao giá trị lúa gạo, đồng thời xây dựng thương hiệu lúa “sạch” cho HTX, tạo sản phẩm gạo an toàn, chất lượng cao”.
Dự án hỗ trợ sản xuất lúa hữu cơ tại HTX An Hưng Phát không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên HTX, mà còn hướng tới cải thiện đời sống cho đồng bào Khmer trên địa bàn. Chương trình giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí sản xuất; đồng thời, việc sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất lúa sẽ giúp đất trồng giữ được độ màu mỡ lâu dài, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Với sự hỗ trợ về vật tư, trang thiết bị và chuyển giao công nghệ, HTX An Hưng Phát đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững và có giá trị gia tăng cao. Dự án này không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho các thành viên HTX mà còn góp phần lan tỏa mô hình sản xuất lúa hữu cơ ra các vùng đồng bào Khmer trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: An Hưng Phát là HTX được Liên minh HTX tỉnh chọn làm điểm trong chỉ đạo HTX đồng bào dân tộc. Dự án đầu tư sẽ tạo động lực khuyến khích HTX phát triển sản xuất sạch và hữu cơ. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của HTX An Hưng Phát nói riêng và các HTX trong tỉnh nói chung, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác bền vững.
MINH ĐẠT
- Gần 300 học sinh, sinh viên tham gia hội thao chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên
- Huyện Hòa Bình: Gần 750 thí sinh thi học sinh giỏi lớp 9 và viết chữ đẹp cấp tiểu học
- Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5
- Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Vĩnh Lợi
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới