Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phát triển sản xuất: Nhiều giải pháp “chạy nước rút” đến cuối năm
Vượt qua những khó khăn và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những tác động tiêu cực từ thị trường và thời tiết, sản xuất nông nghiệp đang đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2022.
Thu hoạch lúa hè thu ở huyện Phước Long. Ảnh: T.A
Sản xuất lúa, thủy sản đều gặp khó
Để chủ động ứng phó với tình hình, đảm bảo cho phát triển sản xuất, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 gắn với tập trung thực hiện tốt công tác điều tiết nước. Nhờ đó cơ bản bảo vệ được diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (NTTS), các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay cũng đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
Do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đã làm giá tôm nguyên liệu giảm mạnh và tác động lớn đến hoạt động NTTS, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Thêm vào đó, hệ thống các công trình thủy lợi, điện 3 pha chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất, đặc biệt là vùng nuôi tôm trọng điểm phía Nam Quốc lộ 1A. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, các hộ dân thiếu vốn, số hộ đảm bảo thủ tục vay không nhiều…
Đặc biệt, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, nhất là phân bón đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Ngoài ra, trong khi giá dầu tăng cao, giá sản phẩm đầu ra lại không tăng cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của đội tàu khai thác đánh bắt thủy sản, nhất là đội tàu lưới kéo xa bờ…
Bên cạnh đó, việc xử lý chưa dứt điểm tình trạng kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm cải tạo môi trường dùng trong NTTS… không nằm trong danh mục cho phép vẫn bán trên thị trường, cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở NTTS siêu thâm canh còn nhiều bất cập, chưa thật sự “mạnh tay” cũng là một thách thức không nhỏ trên lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với khó khăn trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, các đợt mưa trái mùa đã làm thiệt hại 1.260ha sản xuất muối. Riêng cơn bão số 2 (bão Mulan) và áp thấp, có nhiều đợt mưa và dông lốc nhỏ đã làm 6.486ha lúa hè thu bị sập, đổ ngã ảnh hưởng năng suất lúa; nhiều diện tích lúa thu đông không đưa vào sản xuất… đã cho thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn trong công tác chỉ đạo sản xuất.
Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch tôm công nghiệp.
Chủ động giải pháp
Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, với quyết tâm vượt qua khó khăn và nỗ lực hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu phát triển sản xuất của năm 2022, từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Đồng thời, chỉ đạo và kết hợp với các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả Quyết định 23 của UBND tỉnh Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý nghiêm hành vi vi phạm về xả thải trong nuôi tôm không đảm bảo; xử lý nghiêm việc không thực hiện đăng ký xác nhận các đối tượng nuôi chủ lực.
Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ tái chế các phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm lượng chất thải ra môi trường. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi tuần hoàn nước; tuyên truyền vận động tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện đúng quy định về sên vét đất bùn, cải tạo ao đầm trong NTTS. Phối hợp với đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ xây dựng Phương án phát triển ngành tôm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bao gồm: quy hoạch vùng sản xuất giống, vùng nuôi, bảo vệ môi trường, chế biến, liên kết chuỗi sản xuất…
Song song đó là thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi; tuyên truyền, vận động người dân nuôi tôm theo quy hoạch, tuân thủ lịch thời vụ. Xác định mô hình nuôi, phương thức nuôi phù hợp (trong đó xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, là khâu đột phá trong NTTS). Hình thành mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị ngành tôm; thực hiện xây dựng nhãn hiệu hướng tới xây dựng và phát triển thương hiệu tôm, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để đảm bảo kết cấu hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông... phục vụ sản xuất, nhất là vùng nuôi phía Nam Quốc lộ 1A, Sở NN&PTNT cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT hoàn chỉnh các thủ tục sớm triển khai đầu tư Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ NTTS vùng phía Nam Quốc lộ 1A phục vụ sản xuất vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Nghiên cứu đề xuất thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh làm cơ sở ban hành quy trình nuôi phù hợp…
TÚ ANH
Theo Sở NN&PTNT, để phục vụ tốt cho phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp sẽ theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn, diễn biến nguồn nước, chất lượng nước, tình hình mưa bão và có kế hoạch triển khai các biện pháp ứng phó các cơn bão trên biển Đông; phòng chống ngập úng, lốc xoáy và các thiên tai khác, nhất là ứng phó các đợt triều cường trong các tháng cuối năm 2022. Tiếp tục điều tiết nước, kết hợp vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới để phục vụ cho vụ lúa trên đất nuôi tôm và vụ đông xuân 2022 - 2023.
Ngành Nông nghiệp cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi phối hợp thực hiện và thông báo kịp thời bản tin thời tiết, lịch thời vụ cho nông dân chủ động trong sản xuất. Theo dự báo, mùa mưa năm 2022 sẽ kết thúc chậm, có thể xảy ra ngập úng do mưa to và mưa kèm dông lốc do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Vì vậy, vụ lúa trên đất tôm có khả năng thuận lợi do có mưa nhiều đến cuối năm 2022, nhưng sản xuất muối đầu mùa khô năm 2023 sẽ gặp khó khăn (khả năng có mưa trái mùa)…
Do đó, các địa phương cần lưu ý trong chỉ đạo sản xuất và hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ các trà lúa hiện có; thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn và thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó; thực hiện quản lý và cấp mã số vùng trồng. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu, bệnh kịp thời…