Phát triển sản xuất: Nông dân cần sự đồng hành

Thứ Hai, 29/07/2019 | 16:13

Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả vào sản xuất, góp phần mang lại thu nhập khá cao. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT tham quan mô hình nuôi le le sinh sản (ảnh trên) và mô hình trồng rau cần nước an toàn sinh học ở huyện Phước Long. Ảnh: C.L

Tại huyện Phước Long, những năm qua, lãnh đạo huyện luôn chú trọng, đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương vào nuôi, trồng… Qua đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất như: trồng rau cần nước, trồng bắp, trồng năn bộp, nuôi le le…

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, phần lớn bà con vẫn chưa thể tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển các mô hình sản xuất; kỹ thuật nuôi, trồng chủ yếu được bà con đúc kết theo kinh nghiệm, thiếu kiểm chứng khoa học; cây trồng - vật nuôi thường xuyên phát sinh dịch bệnh… Đơn cử như hộ anh Nguyễn Thanh Bình (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) áp dụng mô hình nuôi le le khá thành công. Thế nhưng, gần 10 năm qua, anh vẫn chưa thể tiếp cận được các khoản vay hỗ trợ cũng như được hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn. Anh Bình chia sẻ: “Tôi học nuôi le le từ một người anh cùng xóm. Thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên tôi tìm hiểu cách chăm sóc le le trên mạng Internet. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như tôi hiện nay rất khó tiếp cận các khoản vay để mở rộng sản xuất vì thủ tục rườm rà, phức tạp”.

Có thể nói, kinh tế trang trại, gia trại, nông hộ trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá mạnh, tạo ra các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, hỗ trợ việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Điển hình là mô hình trồng rau cần nước an toàn sinh học ở huyện Phước Long, mô hình nuôi cá bống tượng ở TX. Giá Rai, mô hình nuôi cá lóc trong bể tròn nổi ở huyện Hòa Bình... Tuy nhiên, phần lớn vẫn là những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; người thực hiện mô hình thiếu thông tin về thị trường nông sản, khoa học - kỹ thuật, thiếu vốn sản xuất để phát triển lâu dài. Do sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, bị động nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, bị thiệt hại khi giá sản phẩm xuống thấp.

Anh Đỗ Minh Hải, (huyện Hòa Bình) - người áp dụng bể tròn nổi nuôi cá lóc thương phẩm, cho biết: “Muốn áp dụng một mô hình kinh tế mới, ngoài yếu tố vốn thì điều quan trọng là phải nắm vững kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, ngành chức năng nên mở các lớp tập huấn để nông dân nắm bắt khoa học - kỹ thuật, góp phần sản xuất thành công. Các địa phương cũng cần có chính sách ưu đãi giúp hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến và dịch vụ nông nghiệp”.

Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo 2 huyện: Phước Long và Hồng Dân, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: “Thời gian qua, nhiều nông dân tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng vào sản xuất và mang lại thành công. Tuy nhiên, thời gian tới, địa phương cần xem xét hỗ trợ bà con về vốn, kỹ thuật để những mô hình hiệu quả được nhân rộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.