Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gặp khó: “Trống vắng” cán bộ mạng lưới thú y cơ sở

Thứ Sáu, 25/12/2020 | 16:18

Hiện nay, thời tiết lạnh nên nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Ngành chức năng đã có kế hoạch tiêm phòng các loại dịch bệnh, song công tác này đang gặp khó khăn do không có cán bộ mạng lưới thú y cơ sở.

Tiêm vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm.

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, nêu ý kiến: Việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả là chủ trương đúng. Tuy nhiêu, cần xem xét điều chỉnh theo yêu cầu thực tế địa phương. Nếu sau một thời gian sáp nhập Trạm thú y vào Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thấy công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không hiệu quả thì ngành Nông nghiệp có đề án xin tách ra. Song, trên tinh thần không tăng thêm người, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…

TỶ LỆ TIÊM PHÒNG ĐẠT THẤP

Để chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát thì công tác tiêm vắc-xin phòng chống dịch là rất quan trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 66% so với kế hoạch, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp là do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (TTDVKTNN) các huyện, thị xã, thành phố chậm trễ trong việc lập kế hoạch chỉ tiêu, số lượng tiêm phòng, công tác triển khai tiêm phòng chưa đồng loạt. Đến nay, chỉ có TTDVKTNN TX. Giá Rai, huyện Đông Hải báo cáo số liệu dịch bệnh; các đơn vị còn lại thì không có báo cáo. Trong khi đến nay, ngành chức năng tỉnh ghi nhận có 12 hộ chăn nuôi tại 9 khóm, ấp thuộc 6 xã, phường trên địa bàn TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân, huyện Hòa Bình có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi với số lượng 68 con. Về dịch cúm gia cầm thì ghi nhận có 2 hộ chăn nuôi tại 2 xã thuộc địa bàn huyện Phước Long và huyện Hòa Bình có gia cầm mắc bệnh cúm H5N1; trong đó, số lượng gà nhiễm bệnh chết, tiêu hủy là 1.000 con. Đến nay, các ổ dịch gia súc, gia cầm đã qua 30 ngày không tái phát…

Ông Nguyễn Duy Hưng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm phòng không đạt là do không có cán bộ mạng lưới thú y cơ sở vì các Trạm thú y đã sáp nhập vào TTDVKTNN. Công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, tiêu độc sát trùng, vệ sinh chuồng trại ở nông hộ, nông trại chỉ tổ chức cấp phát vắc-xin và thuốc, còn khâu sát trùng ở các điểm có nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát thì ngành chức năng hợp đồng thuê TTDVKTNN các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Hiện Chi cục đang tham mưu cho Sở NN&PTNT làm đề án trình UBND tỉnh tách lĩnh vực thú y ra thành lập Trạm thú y trực thuộc các huyện, thị, thành phố.

Cán bộ thú y tỉnh kiểm tra công tác giết mổ tại các lò giết mổ tập trung. Ảnh: M.Đ

CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH NĂM 2021

Để chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ trọng tâm như: tiêm phòng vắc-xin, phun xịt thuốc sát trùng môi trường chăn nuôi, lấy mẫu giám sát, chủ động xác định sự lưu hành của vi-rút cúm gia cầm năm 2021 tại các chợ buôn bán gia cầm sống, điểm trung chuyển và hộ nuôi gia cầm. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động người chăn nuôi tái đàn theo phương thức trang trại, gia trại, an toàn sinh học. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để xử lý kịp thời; kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm xuất nhập tỉnh; buôn bán tại các chợ; tăng cường giám sát nguồn gốc giống gia cầm nhập tỉnh.

Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với việc sử dụng hố biogas, đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các công ty đầu tư chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm; tạo điều kiện phát triển chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Thực hiện chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, tai xanh heo, lở mồm long móng gia súc…

MINH ĐẠT

Quyết liệt phòng chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm

Bộ NN&PTNT vừa có Chỉ thị 8711 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Theo Bộ NN&PTNT, các loại dịch bệnh như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh… đã và đang bùng phát ở một số tỉnh, thành trong cả nước. Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 là rất cao. Nhằm chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn trước, trong và sau tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y. Theo đó, bố trí các nguồn lực để phòng chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch; tổ chức Tháng tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, nơi thường xảy ra dịch bệnh. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn. Tăng cường chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh bùng phát; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan trên diện rộng…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.