Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phòng chống thiên tai mùa mưa bão 2022: Bảo vệ tính mạng người dân và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, gây thiệt hại về người và tài sản. Bước vào mùa mưa bão, người dân cần cảnh giác trước các loại thiên tai hay xuất hiện trên địa bàn tỉnh như: lốc xoáy, sạt lở và sét đánh… Hiện tỉnh có nhiều phương án chủ động phòng chống thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…
Mưa lớn và triều cường dâng cao gây ngập úng cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
NHỮNG THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA
Năm 2021, tình hình thiên tai diễn biến khá bất thường, trên biển Đông đã xuất hiện 9 cơn bão, 3 đợt áp thấp nhiệt đới và nhiều đợt gió mạnh. Ngoài ra, các loại hình thiên tai khác như triều cường dâng, lốc xoáy, sạt lở… đã xảy ra và gây thiệt hại khá nhiều về người, tài sản, sản xuất. Bình quân lượng mưa đo được năm 2021 là 2.107mm, cao hơn trung bình nhiều năm. Trong những tháng cuối năm, từ tháng 10 - 12/2021 xuất hiện các đợt triều cường, đỉnh triều xuất hiện vào đêm 7/12/2021 là +2,55m (vượt báo động III + 0,35m) và được xem là đỉnh triều cao lịch sử trong vòng hơn 40 năm trở lại đây ở tỉnh. Các đợt triều cường xuất hiện đã gây ngập cục bộ ở một số khu vực trũng thấp vùng phía Nam Quốc lộ 1A và tràn qua một số đoạn trên Quốc lộ 1A, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, đi lại của người dân.
Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 28 cơn lốc xoáy, một trường hợp sét đánh, 3 đợt sạt lở... Thiên tai xuất hiện làm thiệt hại 83 căn nhà (trong đó, 38 căn sập hoàn toàn, 45 căn tốc mái) và 2 người chết. Tổng thiệt hại ước tính hơn 2,2 tỷ đồng…
Lốc xoáy làm tốc mái nhà dân ở huyện Đông Hải. Ảnh: M.Đ
CÁC PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ
Để chủ động phòng chống thiên tai năm 2022, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xây dựng các phương án chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 nguyên tắc (chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Song song đó, phối hợp với các địa phương cấp huyện kiện toàn lại đội xung kích cấp xã phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; xây dựng mới đội xung kích đối với cấp xã chưa xây dựng; rà soát, bổ sung các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro đối với một số loại hình thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng kế hoạch thu, chi có hiệu quả Quỹ Phòng, chống thiên tai theo quy định. Xây dựng phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; các phương án chằng chống nhà cửa, công trình… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Đồng thời, xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện các dự án cảng cá, bến cá kết hợp khu neo đậu tránh, trú bão. Thực hiện lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình, đề án, dự án thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đầu tư xây dựng mạng lưới cảnh báo, dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại khu vực ven biển, xây dựng các phương án tổ chức ứng phó kịp thời. Tổ chức điều tra, thống kê, báo cáo, đề xuất kịp thời các biện pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Thông tin kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai để phục vụ tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động phòng tránh. Củng cố, kiện toàn các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng xung kích sẵn sàng ứng cứu khi có thiên tai xảy ra; hướng dẫn cách neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tránh bị va đập. Phối hợp với đơn vị liên quan thống nhất tần số liên lạc, kêu gọi tàu thuyền phòng tránh thiên tai trên biển được kịp thời…
Ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, cho biết: “Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên thiên tai diễn biến khó lường. Vì vậy, các cấp chính quyền và người dân cần cảnh giác và không được chủ quan với thiên tai. Để chủ động ứng phó, các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động có kế hoạch phòng chống thiên tai tại địa phương như: Di dời các hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, thực hiện các biện pháp tránh sét vào mùa mưa bão… Đặc biệt là đảm bảo các mục tiêu: bảo vệ tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra”.
MINH ĐẠT
- Thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Phước Long
- Chiếu phim lịch sử mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân
- Hội đồng thẩm định Trung ương: Thống nhất đề nghị Thủ tướng công nhận huyện Phước Long đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác