Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Sản xuất lúa giảm phát thải: Hướng đi của nền nông nghiệp phát triển bền vững
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án), tỉnh đã triển khai để các địa phương đăng ký diện tích sản xuất cũng như xây dựng nhiều mô hình sản xuất hướng đến giảm phát thải. Đây được xem là hướng đi tất yếu, hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cùng nông dân tham quan trà lúa áp dụng các kỹ thuật sản xuất giảm phát thải.
Hiệu quả từ mô hình sản xuất giảm phát thải
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình gắn với tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo như: ứng dụng Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất hữu cơ, sản xuất lúa sạch, lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… Đến nay, nông dân đã áp dụng các mô hình mới trên 80% diện tích gieo trồng mỗi năm, lợi nhuận tăng thêm từ 2 - 4 triệu đồng/ha/vụ.
Điển hình là mô hình tưới ngập khô xen kẽ áp dụng cho sản xuất vụ lúa đông xuân. Mô hình này được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Dự án GIZ triển khai thực hiện từ vụ đông xuân 2011 - 2012 trên cánh đồng lúa lớn. Ông Nguyễn Minh Thắng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi), cho biết: “Trước đây, chi phí trồng lúa phải từ 22 - 23 triệu đồng/ha. Từ khi áp dụng mô hình tưới ngập khô xen kẽ thì chỉ còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Năng suất lúa từ 6 - 7 tấn/ha tăng lên 10 tấn/ha, lợi nhuận tăng hơn 5 triệu đồng/ha”. Với hiệu quả thấy rõ, mô hình tưới ngập khô xen kẽ đã được Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) nhân rộng ra toàn diện tích với 100% xã viên áp dụng sản xuất. Ngoài ra, mô hình này đang được nông dân các huyện: Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và TX. Giá Rai thực hiện với diện tích hàng ngàn héc-ta. Mô hình giúp người trồng lúa không chỉ giảm lượng giống, mà còn giảm từ 3 - 4 lần bơm nước/vụ, giảm phân bón và 2 - 4 lần phun thuốc trừ sâu, từ đó tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn trong khi năng suất và chất lượng lúa đều tăng.
Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: Huyện đã đăng ký 12.500ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, được phân bố ở các xã, thị trấn trên vụ lúa hè thu và lúa đông xuân. Đồng thời, huyện cũng hướng nông dân sản xuất lúa theo quy trình tưới ngập khô xen kẽ, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” và bón phân hữu cơ, bón phân khi trong ruộng có nước… Song, để sản xuất theo quy trình giảm phát thải, Phòng NN&PTNT huyện cho biết cần đầu tư các ô đê bao khép kín, trạm bơm điện, đấu nối đường giao thông để thuận tiện vận chuyển hàng hóa…
Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa sản xuất theo hướng an toàn. Ảnh: M.Đ
Tổ chức lại hệ thống sản xuất
Nhằm hiện thực hóa các chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thuận thiên, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới mục tiêu sản xuất lúa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đảm bảo tính thống nhất - đồng bộ với hệ thống các chiến lược, Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt 46.000ha diện tích gieo trồng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, triển khai tại các địa phương trọng điểm trồng lúa trong tỉnh như huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai.
Theo các nhà khoa học, canh tác bền vững sẽ giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% lượng nước tưới. Chỉ tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp phấn đấu sẽ có 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như “1 phải, 5 giảm”, SRP, tưới ngập khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70%. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa, gạo tăng 40%. Tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh…
Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thực hiện Đề án, tỉnh đã giao kinh phí từ nguồn phát triển đất trồng lúa cho các huyện, thị; các đơn vị: Khuyến nông, Trung tâm Giống, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để sản xuất mô hình thí điểm trồng lúa giảm phát thải. Định mức cụ thể đo đếm giảm phát thải, Bộ NN&PTNT đã triển khai ở 5 tỉnh, qua đó sẽ ban hành tiêu chuẩn cụ thể chung cho tất cả các tỉnh. Còn tỉnh Bạc Liêu đang đề xuất các dự án hạ tầng phục vụ Đề án cũng như đề xuất chủ trương đầu tư và các danh mục dự án để phân bổ vốn thực hiện. Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030 sẽ triển khai dự án.
Minh Đạt
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tỉnh Bạc Liêu đăng ký đến năm 2030 sản xuất 46.000ha (có 14.700ha lúa - tôm). Trong đó, huyện Vĩnh Lợi là 12.500ha, huyện Phước Long: 6.500ha, huyện Hòa Bình: 6.000ha, TX. Giá Rai: 4.000ha, huyện Hồng Dân: 17.000ha.