Sản xuất lúa - tôm năm 2021: Quyết tâm vượt khó để thắng lớn

Thứ Hai, 06/09/2021 | 15:33

Theo lịch thời vụ sản xuất, tháng 9/2021 các địa phương vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A sẽ tập trung xuống giống lúa trên đất tôm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc thực hiện kế hoạch này gặp nhiều khó khăn, nhất là vật tư phục vụ cho sản xuất.

Nông dân huyện Phước Long cải tạo đồng ruộng chuẩn bị xuống giống lúa trên đất tôm.

TẬP TRUNG XUỐNG GIỐNG

Lâu nay, vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A được ví như “vựa lúa” của tỉnh. Trong những năm qua, diện tích sản xuất lúa - tôm không ngừng được mở rộng và gắn với mục tiêu xây dựng thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch”. Bởi mô hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm đã được các nhà khoa học và ngành chuyên môn đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Định hướng đến năm 2025, Bạc Liêu sẽ mở rộng phát triển trên 43.000ha (ở những nơi có điều kiện) và hiện nay đã thực hiện được 39.000ha với năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha và mang lại lợi nhuận trên 12 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất này sẽ tiếp tục có khả năng mở rộng khi dự án công trình Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn II được hoàn thành cùng với một số hệ thống cống ngăn mặn phía Bắc Quản Lộ - Phụng Hiệp hoàn chỉnh. Đặc biệt, Bạc Liêu đã quy hoạch vùng lúa - tôm là vùng sản xuất “lúa thơm - tôm sạch” và hướng đến sản xuất tôm - lúa hữu cơ.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, việc tập trung xuống giống lúa trên đất tôm sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” với 2 mặt hàng chủ lực là con tôm và hạt lúa. Vì vậy, ngay từ đầu năm các địa phương vùng Bắc đã khẩn trương xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân để phát triển mạnh mô hình “lúa thơm - tôm sạch”. Như huyện Phước Long, năm 2021 này sẽ tập trung sản xuất lúa - tôm với diện tích 13.500ha. Trong đó, thực hiện Kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất giống lúa ST24 và ST25 trên đất nuôi tôm hơn 5.000ha. Huyện sẽ tập trung xuống giống lúa mùa từ ngày 10 - 30/9 đối với các giống chủ lực như: Một bụi đỏ, ST24, ST25, OM18, OM9582…

Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% lượng lúa giống ST24, ST25 cho người dân và vốn đối ứng doanh nghiệp, sau khi thu hoạch doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm và khấu trừ đối ứng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên các công ty, doanh nghiệp tham gia không thể xuống địa bàn phối hợp cùng nông dân thực hiện liên kết (do địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động bị phong tỏa và các doanh nghiệp này không thể rời khỏi địa bàn theo quy định). Vì vậy, huyện Phước Long phải vận động người dân tự đối ứng 50% lúa giống, vật tư còn lại để tham gia chương trình. Thế nhưng, nhiều nơi người dân vẫn chưa đồng ý tham gia thực hiện vì sợ không có thương lái thu mua.

Đối với huyện Hồng Dân, trong tháng 9 này cũng tập trung xuống giống lúa trên đất tôm với tổng diện tích trên hơn 24.770ha, gắn với các giống lúa chủ lực như: Một bụi đỏ, ST24, ST25, Đài thơm 8, OM18, OM5451... Hiện Phòng NN&PTNT huyện đã và đang hướng dẫn nông dân tận dụng nguồn nước ngọt trên sông hoặc nước mưa, làm kỹ đất, kết hợp với rửa phèn, rửa mặn để sản xuất đảm bảo thắng lợi. Cũng như khuyến cáo nông dân ở những tiểu vùng sử dụng giống lúa Một bụi đỏ để gieo sạ, nếu thấy không đủ nước ngọt để rửa mặn, thời gian rửa mặn kéo dài, không đảm bảo lịch thời vụ thì có thể gieo mạ trên bờ vuông, trên rẫy hoặc bố trí chuyển sang sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu mặn để đảm bảo năng suất…

Nông dân Nguyễn Văn Dũng (bên trái - ngụ huyện Hồng Dân) trúng tôm nhờ áp dụng quy trình và kỹ thuật nuôi mới. (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát)

NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm tuy được đánh giá là hiệu quả và khá bền vững, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao và chưa phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh mang lại từ mô hình.

Bên cạnh đó, bản thân mô hình sản xuất này cũng tồn tại và xuất hiện nhiều bất cập cần được tập trung tháo gỡ. Đó là thiết kế, công trình ao nuôi tôm - lúa chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật; môi trường sản xuất có khả năng bị ô nhiễm nặng do việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là các chất cấm trong xử lý môi trường. Cùng với đó, nhiều nông dân chưa quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng con giống, còn thả nuôi theo hình thức tự phát nên năng suất, hiệu quả kinh tế mang lại trên một đơn vị diện tích không cao…

Để giải quyết những khó khăn trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế cho mô hình sản xuất lúa - tôm, năm 2021, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Nâng cao năng suất tôm sú trong mô hình luân canh tôm sú - lúa trên địa bàn huyện Hồng Dân”. Đề tài được thực nghiệm trình diễn với quy mô 3ha/3 hộ dân tại xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) theo quy trình sản xuất “Hai giai đoạn, khép kín, sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề, vi sinh và bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm trong giai đoạn ương”. Mật độ nuôi là 5 con/vụ nuôi và thả làm 2 đợt: đợt 1 thả 3 con/m2, đợt 2 thả 2 con/m2, tôm giống được ương trong ao ương từ 20 - 25 ngày trước khi thả vào vuông nuôi, bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm ở giai đoạn ương, sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề và vi sinh để quản lý môi trường nuôi tôm theo quy trình kỹ thuật.

Theo kỹ sư Nguyễn Đức Khoa (Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu): “Đề tài sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề, vi sinh Envizime Maxcare, không sử dụng thuốc và hóa chất trong quá trình sản xuất, chọn tôm giống chất lượng qua xét nghiệm, hình thành nên một mô hình sản xuất hoàn chỉnh mà trong quá trình sản xuất đảm bảo được các yêu cầu cần thiết như: bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh trên tôm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế. Tôm thả nuôi lần 1 đến thời điểm 75 ngày tuổi sẽ đạt kích cỡ thương phẩm 23 - 27 con/kg. Tỷ lệ ương vèo khi sang ra vuông nuôi trung bình đạt 50 - 70%. Qua kết quả thu tỉa đợt 1, trung bình mỗi hộ thu từ 150 - 250kg/ha (tôm vẫn còn chưa thu hết). Mục tiêu của đề tài là năng suất tôm sú phải đạt tối thiểu 400 - 500kg/ha”, thay vì như hiện nay năng suất tôm nuôi trên đất lúa chỉ đạt từ 150 - 250kg/ha”.

Anh Nguyễn Văn Dũng - một trong những hộ tham gia thực hiện đề tài cho biết: “Tôi là nông dân sản xuất giỏi của huyện và đã tham gia sản xuất mô hình tôm sú - lúa trong nhiều năm nay nhưng chưa năm nào tôm nuôi lại đạt năng suất và mau lớn như áp dụng quy trình nuôi mới này. Đây thật sự là mô hình sản xuất vừa giúp nông dân làm giàu, vừa góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến xây dựng thành công mô hình lúa thơm - tôm sạch”.

Tổng kết việc áp dụng quy trình sản xuất này trên mô hình sản xuất lúa - tôm cho thấy, bước đầu đã hình thành nên mô hình sản xuất bền vững và đạt hiệu quả cao. Trong quá trình nuôi tôm, sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để kiểm soát sự ảnh hưởng qua lại của các yếu tố môi trường nước như: pH, độ kiềm, khí độc... một cách hợp lý. Qua đó không ngừng cải thiện môi trường ao nuôi, giúp tôm nuôi nhanh lớn, tính kháng bệnh cao và phát triển tốt. Kết thúc vụ nuôi tôm sú, các chất mùn bã hữu cơ sẽ góp phần tái tạo độ phì nhiêu của đất, làm tiết kiệm chi phí cho vụ trồng lúa như: giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt là tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích. Đây là vấn đề quan trọng góp phần phát triển nông nghiệp ổn định và bền vững.

Tuy đang phải chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương và sự chung sức của bà con nông dân, vụ sản xuất lúa - tôm năm nay chắc chắn sẽ bội thu và nông dân sẽ làm giàu từ con tôm, cây lúa.

KIM TRUNG

Nông dân TX. Giá Rai cấy lúa trên đất tôm. Ảnh: L.D

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận: Sớm đưa tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa của nông dân trở lại trạng thái "bình thường mới"

Năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo đưa giống lúa ST24, ST25 sản xuất trên diện tích 3.500ha và đạt hiệu quả khá tốt, lợi nhuận tăng thêm trên 3 triệu đồng/ha. Phát huy thế mạnh từ mô hình này và đảm bảo cho sản xuất phát triển, năm 2021 UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất lúa - tôm gần 39.000ha với các giống lúa chất lượng cao và lúa mùa đặc sản của địa phương như: OM5451, OM2517, OM7347, BTE1, ST24, ST25, Một bụi đỏ, HR182…

Để đảm bảo sản xuất lúa - tôm hoàn thành kế hoạch và đạt hiệu quả cao, với nhiệm vụ trọng tâm là vừa chống dịch, vừa hỗ trợ nông dân an tâm sản xuất và chuẩn bị tốt vụ mùa, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục hỗ trợ 50% vật tư thiết yếu (giống, phân bón, thuốc BVTV) để mở rộng diện tích khoảng 8.000ha sản xuất giống lúa ST24, ST25 (từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2021).

Song song đó, các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh cần tăng cường thông tin đến người dân trong tỉnh về tình hình khí tượng - thủy văn, lịch thời vụ và tình hình dịch bệnh để nông dân chủ động trong sản xuất. Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các ngành chuyên môn trên địa bàn các huyện, thị xã hướng dẫn nông dân kỹ thuật cải tạo đất, rửa mặn, phèn, xuống giống né rầy để đảm bảo công tác xuống giống đạt hiệu quả. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kịp thời nông dân sản xuất qua các phóng sự, video clip cho nhóm nông dân theo từng vùng bằng các phần mềm hỗ trợ như nhóm chat Zalo, Facebook… để nông dân có thể trao đổi kỹ thuật với cán bộ chuyên môn, trong điều kiện địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không thể tổ chức tập huấn trực tiếp cho bà con sản xuất lúa - tôm.

Đối với UBND các huyện, thị xã, cần tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có canh tác lúa - tôm thành lập các tổ, nhóm nông dân sản xuất theo khóm - ấp (không quá 10 người theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ) ở những nơi đủ điều kiện để cùng nhau liên kết với đội ngũ cán bộ kỹ thuật của địa phương cùng trao đổi những kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh và chăm sóc lúa trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đối với nông dân không được chủ quan lơ là, phải thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, giữ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Về tình hình tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới, qua thông tin từ Cục Trồng trọt và Hiệp hội Lương thực miền Nam, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta từ đây đến cuối năm ổn định, nên nông dân có thể an tâm sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên đi lại thu mua và tiêu thụ nông sản gặp khó khăn tạm thời, UBND tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian ngắn nhất có thể, sớm đưa tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa của bà con nông dân trở lại trạng thái bình thường mới. UBND tỉnh rất mong bà con nông dân an tâm sản xuất, nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành chức năng có liên quan và chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân khắc phục kịp thời trên tinh thần “luôn đồng hành và chia khó cùng nông dân”.

Chủ tịch UBND TX. Giá Rai - Đỗ Minh Thắng: Đầu tư hơn 48 tỷ đồng để phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm

Với quyết tâm đẩy mạnh, khôi phục phát triển sản xuất và hạn chế những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, UBND TX. Giá Rai đã xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm năm 2021 - 2022. Mục tiêu của kế hoạch này là nhân rộng mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm trên địa bàn thị xã, nhằm từng bước cải tạo môi trường đất, chọn giống lúa chịu mặn, nâng cao năng suất, lúa đạt chất lượng cao, tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, từng bước mang lại sinh kế ổn định, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Thông qua mô hình, trang bị thêm kiến thức và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm cho bà con nông dân.

Theo đó, TX. Giá Rai sẽ tập trung sản xuất với tổng diện tích 3.000ha và tổng kinh phí thực hiện nhân rộng mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm năm 2021 - 2022 hơn 48.996 triệu đồng. Để thực hiện tốt kế hoạch này, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thị xã có liên quan cùng với UBND các xã tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng dự án sản xuất lúa trên đất nuôi tôm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát mô hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm và phối hợp với các đơn vị chuyên môn nhằm thực hiện tốt mô hình.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.