Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Nhiều thành tựu, lắm thách thức
Có thể nói, một trong những thành tựu quan trọng đạt được trong 5 năm qua chính là Bạc Liêu đã tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu, đã hình thành nên những tiền đề, động lực mới để tỉnh nhà khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lớn.
THẾ MẠNH ĐƯỢC PHÁT HUY
Với thế mạnh kinh tế chủ yếu là con tôm và cây lúa, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và nghị quyết về phát triển sản xuất gắn với mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sự tích cực chỉ đạo ấy đã thúc đẩy phát triển sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển về quy mô, chất lượng và tạo ra sản phẩm cạnh tranh cao. Đặc biệt, Bạc Liêu đã trở thành một trong những tỉnh, thành phố của cả nước dẫn đầu về phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và được Chính phủ chọn làm thủ phủ ngành tôm công nghiệp hàng đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đối với cây lúa, diện tích canh tác không ngừng tăng và cho tổng sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Trong đó, nhiều mô hình cánh đồng lớn đã hình thành và cho lợi nhuận tăng thêm so với ruộng không áp dụng từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã và đang được nhân rộng thông qua hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Tham gia liên kết này, nông dân được doanh nghiệp tập huấn kỹ thuật, đầu tư giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg.
Từ các mô hình trên, Bạc Liêu đã từng bước xây dựng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, lúa đặc sản tập trung, sản xuất hàng hóa lớn gồm: Vùng chuyên canh lúa nước (sản xuất 2 - 3 vụ/năm với các giống lúa chất lượng cao ngắn ngày và lúa đặc sản địa phương phục vụ xuất khẩu… Tổng giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt từ 61 triệu đồng năm 2013 đến nay tăng lên từ 70 - 75 triệu đồng.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thông qua tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã tạo được những đột phá ấn tượng và trở thành ngành kinh tế hàng đầu hiện nay. Điều đáng nói, Bạc Liêu đã xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất hàng hóa lớn với quy mô trên 136.000ha. Trong đó, nuôi tôm 131.683ha với các mô hình thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh. Ngoài ra, còn phát triển và nâng chất các mô hình nuôi sinh thái khác như: mô hình quảng canh cải tiến chuyên tôm 500ha, nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa 33.747ha, mô hình quảng canh cải tiến kết hợp và mô hình tôm - rừng 79.140ha…
Trong các mô hình nuôi trồng thủy sản thì mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Công ty TNHH MTV Hải Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu nuôi tôm theo quy trình khép kín trong nhà kín, năng suất trung bình đạt 25 - 40 tấn/ha/vụ và cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Mô hình này được xác định là điểm nhấn và tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Rồi các mô hình nuôi khác cũng đã và đang được nhân rộng gồm: mô hình tôm thẻ 2 giai đoạn; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm (công nghệ nhà màng của Israel, công nghệ cho ăn tự động của Úc, công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm,...); nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quan trắc môi trường tự động; thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC, Organic)…
Hiện Bạc Liêu đang tích cực thực hiện Đề án “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, hứa hẹn tạo nên những đột phá mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành Thủy sản cả nước.
Một thành tựu đáng ghi nhận khác là việc thực hiện Đề án cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tác động tích cực đến xây dựng nông thôn mới. Thông qua tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn. Nếu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 khoảng 27 triệu đồng/năm thì đến nay đã đạt gần 55 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh và đến nay nhiều địa phương đã xóa trắng hộ nghèo như huyện Phước Long và 3 xã vùng ven của TP. Bạc Liêu…
Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh ở Công ty Việt Úc - Bạc Liêu. Ảnh: K.T
NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Phải nhìn nhận rằng, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn tổng thể vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển; phương pháp, quy mô, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Hoạt động khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn; một số đề tài nghiên cứu khoa học chậm được ứng dụng vào thực tế sản xuất; trình độ dân trí của nông - ngư dân và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất còn thấp. Tập quán canh tác cũ và ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi, sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường của nông dân còn hạn chế; tình trạng sản xuất manh mún, không muốn tham gia hợp tác sản xuất, liên kết chuỗi còn phổ biến, do nhận thức và tư duy của nhiều hộ nông dân thích sản xuất theo quy mô hộ gia đình và không dám sản xuất hàng hóa lớn.
Thêm vào đó, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn còn ít, vai trò của doanh nghiệp và thu hút đầu tư tạo thêm nguồn lực cho nông nghiệp còn chưa nhiều; cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp - nông thôn còn lạc hậu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc nhưng năng lực phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của tỉnh còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông - thủy sản, thực phẩm chưa cao; an toàn thực phẩm không đảm bảo, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản còn thấp và đến nay có nhiều mặt hàng chiếm đến 90% là xuất thô. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân nông thôn tuy có cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn và mất khả năng thanh toán, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản ở các ngân hàng thương mại còn cao. Đến nay, nhiều nông dân vẫn thiếu và không có vốn đầu tư cho phát triển sản xuất.
Một số lĩnh vực quản lý nhà nước về phát triển sản xuất còn bất cập, nhất là lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hóa; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn thường xuyên xảy ra; việc hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo còn bất cập. Các yếu tố đầu vào của sản xuất luôn biến động theo chiều hướng tăng, chất lượng không đảm bảo; công tác dự báo thị trường, định hướng cho người sản xuất còn bất cập; giá cả thị trường các mặt hàng nông sản và dịch vụ nông thôn vẫn chưa có chính sách điều tiết hợp lý của Nhà nước. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững, vẫn còn trường hợp phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân…
Tất cả những bất cập và khó khăn cơ bản trên chính là lực cản trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và cần có ngay các giải pháp để giải quyết. Qua đó, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp vốn được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế tỉnh nhà trong hiện tại và tương lai.
KIM TRUNG
Lộ nông thôn ở xã nông thôn mới nâng cao của huyện Phước Long.
* Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh sẽ ban kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và nâng cao khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị; lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp với lợi thế của từng vùng; phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền huyện, thị xã, thành phố và cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và Nhân dân về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp bằng nhiều hình thức, nhất là phổ biến những mô hình hiệu quả, cách làm hay và khuyến khích nông dân tích cực tham gia vào phát triển sản xuất hợp tác, liên kết chuỗi, nhằm sản xuất hàng hóa lớn, mang lại giá trị gia tăng cao và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Ông Lâm Thành Đắc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững
Việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 trong thời điểm hiện nay là vô cùng bức thiết. Bởi GDP nông nghiệp của tỉnh hiện còn chiếm tỷ trọng lớn và kinh tế nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, việc nhanh chóng tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp không chỉ là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững, mà còn là nhiệm vụ phải làm để hàng nông - thủy sản của Bạc Liêu không ngừng nâng cao chất lượng, tạo ra tính cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cao trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tin rằng, với sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành hiệu quả, năng động của UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay của các thành phần kinh tế và nông dân, tỉnh Bạc Liêu sẽ nhanh chóng bứt phá và sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
* Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long: Cần làm tốt khâu quy hoạch và tăng cường chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Kết quả đến tháng 8/2020, huyện Phước Long được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 7/7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện đã công nhận tất cả 67/67 ấp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, huyện Phước Long đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu cho giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, cần tập trung chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng kế hoạch sâu sát với tình hình thực tế của thị trường và tình hình thực tế sản xuất tại địa phương; có kế hoạch quảng bá, giao lưu trao đổi hợp tác với các đối tác về các thế mạnh, tiềm năng sẵn có của tỉnh và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, cần làm tốt khâu quy hoạch sản xuất, tăng cường chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bố trí vốn cho khâu xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng cường và ưu tiên vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ cho phát triển sản xuất và tạo ra khả năng kết nối trong vận chuyển, giao lưu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với chức năng là trung tâm kinh tế của vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A…
K.T (thực hiện)
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4