Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Năm 2024, Sở TN-MT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) tập trung thực hiện tốt công tác quản lý về BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, các địa phương và người dân xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay trong BVMT.
Nông dân huyện Đông Hải xử lý môi trường trong nuôi tôm công nghệ cao.
VÌ SAO GẶP KHÓ?
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành nên công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một trong những lĩnh vực được tập trung chỉ đạo thường xuyên chính là công tác quản lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), trọng tâm là môi trường phục vụ nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (siêu thâm canh). Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở, hộ nuôi tôm đều chưa đáp ứng các điều kiện cơ sở NTTS như: phải có nơi chứa bùn thải, hệ thống xử lý nước, cấp nước thải riêng biệt và việc đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện NTTS theo quy định tại Điều 34, Nghị định 26 của Chính phủ. Thêm vào đó, một số hộ nuôi tự phát, chưa có kỹ thuật nuôi và chưa dành diện tích đất để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải…, dẫn đến việc xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Đáng quan tâm hơn cả là đến nay tỉnh vẫn chưa quy hoạch chi tiết đối với loại hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh nên tình trạng nuôi tự phát và xen kẽ trong khu dân cư ngày càng nhiều và rất khó quản lý. Trong khi hệ thống thủy lợi như: kênh cấp thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ (chưa có kênh cấp, thoát nước riêng) nên dễ xảy ra tình trạng dịch bệnh hoặc ô nhiễm môi trường nước nếu có hộ dân xả thải chưa qua xử lý xuống sông, kênh, rạch. Việc xử phạt các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với loại hình này còn ít, chưa đủ sức răn đe, do đa số các hộ nuôi tôm siêu thâm canh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện và cấp xã.
Để tăng cường công tác quản lý môi trường, trọng tâm là môi trường phục vụ nuôi tôm, Chi cục BVMT đã tham mưu cho lãnh đạo Sở TN-MT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 23/2022/QĐ-UBND về Quy định BVMT trong hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực NTTS. Nội dung quyết định có quy định cụ thể về điều kiện BVMT trong NTTS và trách nhiệm BVMT của tổ chức, cá nhân trong hoạt động NTTS và trách nhiệm của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác BVMT đối với hoạt động NTTS. Song, cái khó hiện hay chính là do các hộ nuôi tôm siêu thâm canh đa số thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 452/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch BVMT trong hoạt động NTTS giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhưng việc thực hiện vẫn còn gặp khó.
Chi cục BVMT hỗ trợ thùng ủ phân hữu cơ cho nông dân huyện Phước Long. Ảnh: K.T
CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG
Để hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm nói chung, nuôi tôm siêu thâm canh nói riêng, đòi hỏi người dân và các sở, ban, ngành cần cùng chung tay BVMT và thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm được nêu trong Quyết định 452 của UBND tỉnh. Cụ thể như sau: Khẩn trương xây dựng Quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm siêu thâm canh) phù hợp với Quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt. Công bố và công khai rộng rãi thông tin quy hoạch vùng nuôi tôm để người dân thực hiện đúng theo quy hoạch. Đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các vùng nuôi tôm tập trung, các vùng NTTS trọng điểm đảm bảo kênh cấp, thoát nước riêng biệt; xây dựng lịch thời vụ, lịch điều tiết, lịch sên vét cải tạo ao nuôi phục vụ NTTS đảm bảo thực hiện đồng loạt để dễ quản lý, giám sát. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở và hộ NTTS không đáp ứng các điều kiện cơ sở NTTS...
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện thực hiện kế hoạch BVMT trong hoạt động NTTS trên địa bàn do địa phương quản lý theo phân công, phân cấp và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn (theo quy định tại khoản 2 Điều 168 của Luật BVMT 2020). Phối hợp với Sở NN&PTNT hướng dẫn cơ sở và hộ nuôi tôm siêu thâm canh thực hiện các điều kiện trong NTTS (bố trí tối thiểu 15% tổng diện tích ao nuôi để dành cho ao chứa/lắng; tối thiểu 10% tổng diện tích ao nuôi dành cho ao xử lý nước thải) theo Quyết định 23/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Cùng với đó, UBND cấp xã phối hợp với các hội đoàn thể thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác,… về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh; rà soát và hướng dẫn các hộ dân thực hiện đăng ký môi trường và hậu kiểm tra đối với các đối tượng này (theo quy định tại khoản 7 Điều 49 Luật BVMT 2020)…
KIM TRUNG
TẬP TRUNG NHIỀU GIẢI PHÁP TRONG QUẢN LÝ VÀ THU GOM CHẤT THẢI
Để việc thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đạt tỷ lệ 85% theo chỉ tiêu đề ra trong năm 2025, Chi cục BVMT đề xuất một số giải pháp sau:
Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH-ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy xử lý CTR sinh hoạt 200 tấn/ngày đêm tại thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Đông Hải, huyện Hồng Dân đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư các khu xử lý chất thải theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định 13 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý CTR trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, ưu tiên bố trí ít nhất 3 xe chuyên dụng đảm bảo thu gom triệt để CTR phát sinh hằng ngày trên địa bàn huyện; mở rộng thêm tuyến thu gom đến các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện quản lý. Bố trí quỹ đất để đầu tư điểm tập kết, trạm trung chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn quản lý. Quan tâm bố trí đủ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT cấp huyện, cấp xã đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về BVMT theo phân cấp.
Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư, mở rộng địa bàn thu gom rác ở các xã vùng nông thôn, nơi có điều kiện về giao thông để thu gom rác về bãi rác tập trung của huyện, thị xã xử lý. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật về BVMT đối với các hành vi vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục nhân rộng các mô hình ủ rác hữu cơ thành phân compost tại hộ gia đình, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, tái chế tái sử dụng để giảm thiểu lượng rác thải phát sinh ra ngoài môi trường.