Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Mục tiêu của Chương trình nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
Còn hạn chế về hoạt động xúc tiến thương mại
Qua hơn 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2021, Bạc Liêu có 91 sản phẩm của 43 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 67 sản phẩm đạt 3 sao và 24 sản phẩm đạt 4 sao. Đến nay, chương trình đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP đều mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ tương đối ổn định và cao hơn so với lúc đầu, tăng trung bình từ 10 - 15% so với trước khi được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Tuy nhiên, hạn chế của Chương trình là quy mô sản xuất còn nhỏ, các cơ sở chủ yếu là hộ sản xuất - kinh doanh và một ít là hợp tác xã (HTX); quy trình sản xuất đơn giản, trang thiết bị, máy móc chưa được đầu tư bài bản. Hầu hết các công đoạn, quy trình sản xuất làm bằng thủ công nên chất lượng chưa cao. Ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Thực tế, các chủ thể sản xuất đa phần mới làm tốt ở khâu sản xuất, còn khâu quảng bá vẫn chưa được chú trọng. Các sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công; chất lượng sản phẩm chưa cao, bao bì, nhãn mác còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh và chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ thủy hải sản. Các sản phẩm sản xuất còn mang tính thời vụ, nên nguồn cung hàng hóa không ổn định, sản lượng cũng không nhiều. Ngoài ra, một số hộ còn ngại về vấn đề thủ tục và có tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ chưa được chủ thể quan tâm đúng mức. Đây vẫn là bài toán đau đầu cho những sản phẩm OCOP ở Bạc Liêu”.
Các sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
Giải pháp nâng cao chương trình
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, với nhiều hình thức để người dân trên địa bàn tỉnh hiểu về Chương trình OCOP. Hoạt động tuyên truyền cần chú trọng đến việc chia sẻ kinh nghiệm những mô hình hiệu quả, những chủ thể tiêu biểu, sáng tạo. Khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP các cấp, với quy chế hoạt động cụ thể; thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ chức thực hiện đánh giá sản phẩm từng cấp, để xác định những mặt được và chưa được của sản phẩm, từ đó có định hướng phát triển phù hợp và hiệu quả.
Quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp với từng địa phương, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; xây dựng được mã số vùng trồng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình OCOP, trong đó ưu tiên hỗ trợ những chủ thể đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể là HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ dành nguồn kinh phí thỏa đáng để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Chương trình OCOP, nhất là trong công tác xúc tiến thương mại; tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến...
Bài và ảnh: Minh Đạt
Phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 919 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể, chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP phù hợp với nội dung, định mức hỗ trợ của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương. Bố trí nguồn lực cần thiết từ ngân sách địa phương, sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, lồng ghép các nguồn vốn khuyến công, khuyến nông, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Minh Đạt (lược trích)
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông