Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận vốn
Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) - nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, để tạo điều kiện thuận lợi, góp phần giúp lĩnh vực KTTT ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, mang lại nhiều lợi ích cho xã viên các địa phương trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Đại biểu tham quan sản phẩm OCOP của các hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu.
Nhiều chính sách ưu đãi
Vốn tín dụng ngân hàng là nhân tố quan trọng để phát triển KTTT, HTX. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành chính sách tín dụng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực HTX, tạo động lực phát triển KTTT. Điều này, được thể hiện cụ thể trong Luật HTX năm 2003, 2012 và mới đây nhất là Luật HTX năm 2023 (thay thế Luật HTX 2012). Luật có nhiều điểm mới giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển cho các HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, Liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.
Sau khi chuyển đổi, thành lập mới, nhiều HTX đã từng bước vươn lên, đáp ứng các yêu cầu dịch vụ kinh tế hộ như: cung ứng giống, phân bón, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất... Nhờ đó, đã góp phần tăng năng lực sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, góp phần không nhỏ đến phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo ở địa phương. Ông Huỳnh Mừng Em - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), cho biết: “Việc được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho HTX đầu tư phương tiện, kỹ thuật sản xuất, từ đó góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động, tăng thu nhập cho thành viên. Đồng thời, từ nguồn vốn vay còn giúp HTX xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tìm kiếm được nhiều đối tác liên kết trong tiêu thụ sản phẩm”.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Liên minh HTX tỉnh còn quan tâm đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý HTX. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường - làm cầu nối cho các HTX gắn kết với nhau và với các công ty, doanh nghiệp trong cung cấp sản phẩm đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh thông qua giới thiệu trực tiếp và tổ chức các buổi gặp mặt. Hằng năm, tổ chức cho các HTX tham gia các cuộc Hội chợ cấp Trung ương và cấp tỉnh giúp trưng bày, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm HTX. Các đối tác được lựa chọn để giới thiệu kết nối với HTX là những đơn vị cung cấp sản phẩm đầu vào theo hướng hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường... Từ đó tăng cường xúc tiến hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững giữa HTX với các công ty chế biến và xuất khẩu nông nghiệp trong và ngoài tỉnh hình thành nên các chuỗi giá trị xanh.
Mô hình tôm - lúa cho hiệu quả cao của Hợp tác xã Ba Đình (huyện Hồng Dân). Ảnh: C.L
Đẩy mạnh phát triển KTTT
Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển KTTT trong nông nghiệp, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển. Đến nay, hoạt động KTTT, HTX tiếp tục đổi mới, phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Trịnh Văn Ngang - Giám đốc HTX Đồng Tâm (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi): “Nếu chỉ phụ thuộc vào vốn góp của thành viên thì HTX rất khó để đầu tư, phát triển sản xuất theo quy trình cũng như đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Do đó, việc được tạo điều kiện vay vốn đã tạo điều kiện cho HTX Đồng Tâm chủ động liên kết với đối tác cung ứng đầu vào, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất bài bản và mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên”.
Với nguồn vốn điều lệ 30 tỷ đồng từ ngân sách cấp, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã tạo điều kiện tối đa cho các HTX, thành viên HTX tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe con người, tham gia chuỗi liên kết, góp phần cải thiện mức thu nhập cho thành viên HTX. Tính đến ngày 7/6/2024, đã giải ngân cho 1 HTX và 86 thành viên của 6 HTX, với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng; các dự án còn lại đang được Quỹ Hỗ trợ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giải ngân. Tổng dư nợ hiện nay gần 16 tỷ đồng (gồm 18 HTX và 174 thành viên của 12 HTX), đạt 49% so với tổng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
“Việc triển khai đồng bộ các chính sách tín dụng ngân hàng đã tạo môi trường thuận lợi cho các HTX vay được hàng chục tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết.
Chí Linh
Bạc Liêu hiện có 239 HTX, 26.000 thành viên, vốn điều lệ trên 270 tỷ đồng. Trung bình, mỗi năm thành lập mới 25 HTX. Tỉnh hiện có 15 sản phẩm của 11 HTX đã được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao. Có 5 HTX có sản phẩm tôm được công nhận đạt chuẩn ASC; nhiều HTX lúa gạo được chứng nhận đang trong giai đoạn chuyển đổi hữu cơ, chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP...
- Họp Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới: Thống nhất trình Trung ương công nhận huyện Phước Long đạt chuẩn NTM nâng cao
- Nhiều đoàn cán bộ tỉnh chúc Tết tại các địa phương, đơn vị
- Sách giáo khoa là một trong những vấn đề cử tri quan tâm
- Thực hư câu chuyện bị khóa tài khoản ngân hàng vì kẻ lạ nhập mật khẩu nhiều lần?
- Người trẻ chạy nước rút cho kịp Tết