Tạo đột phá từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ Hai, 07/08/2023 | 15:50

Để phát triển nhanh, bền vững, hướng đến xây dựng tỉnh Bạc Liêu đứng vào tốp khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực chính là vấn đề cần được quan tâm, khi tình trạng yếu và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) đang trở thành lực cản cho phát triển “5 trụ cột”.

Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du lịch tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh.

NGUỒN NHÂN LỰC CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY ĐÚNG MỨC

Theo nghiên cứu của Khoa Nông nghiệp Trường đại học Bạc Liêu, lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta những năm gần đây đã có bước phát triển đáng kể. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn tăng từ 8,5% năm 2010 lên 16,3% năm 2020. Cùng với đó, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản đã qua đào tạo tăng từ 4,3% năm 2015 lên 4,6% năm 2020. Đồng thời, năng suất lao động và thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng từ 30,8 triệu đồng/lao động năm 2015 lên 52,7 triệu đồng/lao động năm 2020.

Sự phát triển của lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, thực hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, nguồn nhân lực được đánh giá là rất dồi dào và được xem là tài nguyên quý khi đang trong giai đoạn của “dân số vàng”. Đây được xác định là yếu tố rất quan trọng quyết định đến việc thực hiện thắng lợi “5 trụ cột”. Thế nhưng, nguồn nhân lực này chưa được khai thác, phát huy tốt và gây lãng phí, thậm chí còn tình trạng “chảy máu” tài nguyên nhân lực.

Qua thống kê của ngành chức năng, nhóm lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên, tốt nghiệp và được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định tại Bạc Liêu có xu hướng tăng, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp so với mức trung bình chung của cả nước và vùng ĐBSCL. Cụ thể, tỷ lệ này đã tăng từ mức 6,7% năm 2011 lên mức 10,3% năm 2020, song vẫn thấp hơn so với mức trung bình 14,9% của khu vực ĐBSCL và 24,1% của cả nước. Điều này cho thấy, lao động có kỹ năng nghề nghiệp và trình độ không cao, kéo theo cơ hội việc làm thấp, thu nhập không nhiều và không tạo được động lực cho người lao động muốn đi học để tiến thân hay lập nghiệp. Nếu có, chỉ là tham gia các lớp học ngắn hạn thông qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ vốn, hoặc cây - con giống từ các lớp đào tạo ngắn hạn này chứ chưa tạo ra những đột phá hay năng suất cho nền kinh tế. Như năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 14.500 người, đạt 103,6% kế hoạch năm. Song, trình độ cao đẳng chỉ có 691 sinh viên, trình độ trung cấp 571 học sinh, trình độ sơ cấp 970 người và có đến 11.818 người tham gia đào tạo nghề dưới 3 tháng và tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp chỉ đạt 25,63%.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, trình độ lao động là không cao và không tạo ra những động lực tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Kéo theo đó là năng suất lao động thấp, trong khi năng suất được xác định là một trong những yếu tố mang tính nội lực tạo ra động lực và sức bật cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, góp phần hóa giải các thách thức khi các yếu tố đầu vào như: tài nguyên, vốn, lao động… đến một giai đoạn nào đó sẽ bão hòa, thậm chí cạn kiệt thì chính năng suất là giải pháp bền vững cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và trở thành chiến lược mang tính sống còn của các quốc gia hiện nay. Bởi năng suất quyết định đến việc tăng doanh thu, giá trị, lợi nhuận và cả việc tạo ra năng lực cạnh tranh.

 Vấn đề đặt ra, với thực trạng trong công tác đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực như hiện nay, Bạc Liêu bao giờ mới có được NNLCLC để chung tay gánh vác “5 trụ cột” và chủ động thích ứng, phát triển với cuộc cách mạng số? Tầm quan trọng của công tác này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “để phát triển NNLCLC, vai trò của giáo dục và đào tạo phải được đặt lên hàng đầu”.

Đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản tại Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu.

PHÁT TRIỂN NNLCLC: ĐỘT PHÁ CỦA MỌI ĐỘT PHÁ

Tại hội thảo tư vấn, phản biện và bàn về các giải pháp phát triển một trong  “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu vừa qua, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đề xuất và khuyến nghị nhiều giải pháp cho phát triển NNLCLC.

Theo đó, trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, tài nguyên, công nghệ, NNLCLC giữa các nước ngày càng quyết liệt; xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gia tăng; tác động mạnh mẽ đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu… Bối cảnh đó đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, nhất là các mặt hàng nông sản - thủy sản.

Với tinh thần chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong điều kiện mới, nền nông nghiệp của tỉnh cần hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức, ứng dụng công nghệ cao để sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Muốn vậy, phát triển NNLCLC phải được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu và phải là khâu đột phá của mọi đột phá.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm rất cần ở Bạc Liêu hiện nay (Trong ảnh: kiểm tra chất lượng kháng sinh trên tôm). Ảnh: L.D

Thực hiện tốt giải pháp chiến lược này cũng chính là tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khi Đảng ta xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”.

Để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ này, Bạc Liêu cần tiếp tục quán triệt và xem việc phát triển NNLCLC là giải pháp then chốt, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từ đó tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân cần nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng và quan tâm đào tạo NNLCLC. Muốn thực hiện được điều này, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy năng lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phát triển NNLCLC. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục những biểu hiện lệch lạc về nhận thức, trách nhiệm trong phát triển NNLCLC.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển NNLCLC đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển công nghệ cao và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ đối với NNLCLC…

KIM TRUNG

Thực hiện Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trên với mục tiêu: Tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động của các tỉnh, thành phố trong cả nước và thị trường lao động quốc tế.

Theo đó, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,69% và đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 33,23%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin (kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao) đạt 30% năm 2025 và 35% năm 2030.

* TS. Nguyễn Thị Kiều - Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường đại học Bạc Liêu: Phát triển NNLCLC trong nuôi trồng thủy sản

Xác định một trong những thế mạnh kinh tế chủ lực của tỉnh là sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Trường đại học Bạc Liêu rất quan tâm đến phát triển NNLCLC phục vụ cho nông nghiệp - nông thôn.

Có thể nói, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng cao, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời, tạo ra những cơ hội và điều kiện thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển NNLCLC. Vì vậy, công tác đào tạo, nghiên cứu và kết nối doanh nghiệp tham gia đào tạo đối với Trường đại học Bạc Liêu đặc biệt được quan tâm.

Bên cạnh đó, trường đã áp dụng phương pháp giảng dạy trực tiếp thông qua các mô hình, dự án đào tạo sản xuất thực tiễn như: Mô hình trồng dưa lưới, rau thủy canh, mô hình Aquabonis, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, cá trê vàng công nghệ cao… tại Trại thực nghiệm của trường.

Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo để sinh viên học tập thực tiễn các mô hình sản xuất công nghệ cao, thiết bị hiện đại như: Tập đoàn BOSCH Việt Nam - Công ty AQUAESY, Tập đoàn Việt - Úc, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh, Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa, Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường EnviEco, Công ty TNHH TM XNK Ngọc Việt Group, Công ty TNHH SUNJIN VINA, Công ty Công nghệ mới Nhật Hải, Công ty TNHH UV Việt Nam…

Cùng với đó, nhà trường còn tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ có trình độ quản lý, kỹ năng quản trị kinh doanh và thị trường nông sản. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho sinh viên, kỹ thuật viên phụ trách nông nghiệp ở các đơn vị cơ sở và người lao động trực tiếp trong nông nghiệp. Cũng như, thường xuyên phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn để kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nông dân ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Như Trường đại học Bạc Liêu phối hợp với UBND TP. Liêu và kết nối với Công ty TNHH Mekong Organics mời các chuyên gia hàng đầu nước Úc về tập huấn “Kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ” cho sinh viên, giảng viên và lãnh đạo các phường, xã thuộc TP. Bạc Liêu, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng quản lý nhà nước về nông nghiệp cho chức danh công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường cấp xã.

Phát huy kết quả này, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác về KH-CN nông nghiệp giữa các địa phương, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ KH-CN có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực nghiên cứu để cải tiến chất lượng đào tạo NNLCLC và góp phần cùng với tỉnh khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, nhất là phát triển NNLCLC trong nuôi trồng thủy sản gắn với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.

* Bà Trần Yến Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập

Để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, gắn với tăng năng suất lao động, đào tạo và phát triển NNLCLC, Sở LĐ-TB&XH sẽ tích cực tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường cao đẳng để đào tạo NNLCLC phục vụ sự phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư và hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là những ngành nghề có nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở, linh hoạt, hội nhập, hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Cũng như, nghiên cứu, đề xuất cơ chế để kết nối đầy đủ, chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), nhằm phục vụ tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Song song đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ xây dựng, phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập, nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt chính sách, giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm bền vững, gắn với nâng cao chất lượng việc làm cho NLĐ; chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng sẽ đảm bảo hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động cung cấp kịp thời đến người sử dụng lao động và NLĐ, khai thác tốt cơ sở dữ liệu và kết nối hiệu quả cung - cầu lao động, khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu, trình độ lao động và thu nhập của NLĐ; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ, qua đó NLĐ đồng hành, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.