Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tập trung khắc phục thiệt hại do mưa, dông
Mưa kéo dài cùng với dông lốc trong những ngày qua đã gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Với sự chủ động sẵn sàng, hiện các địa phương và người dân đang khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Vận hành trạm bơm để tháo nước, chống ngập ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long).
Nhiều thiệt hại
Những cơn mưa nặng hạt bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ chiều 11/7 và kéo dài đến ngày 14/7 lượng mưa mới giảm dần. Dù đã được dự báo, song trước tình hình mưa lớn trên diện rộng đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho nông dân. Đơn cử như xã Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu), nhiều diện tích rau màu của bà con sắp đến kỳ thu hoạch bị nước nhấn chìm, nhiều bờ bao vuông nuôi tôm và các loài thủy hải sản khác bị ngập cục bộ; huyện Phước Long có gần 68ha lúa và hoa màu bị ngập úng cục bộ. Mưa lớn kèm dông lốc cũng làm sập và tốc mái gần 30 căn nhà của người dân ở các địa phương; tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở các khu vực ven sông, lộ giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh…
Dọc theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp từ xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) đến xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long), tình trạng ngập úng cũng diễn ra trên diện rộng. Mưa lớn gây ngập úng xảy ra vào đúng giai đoạn trà lúa hè thu sạ sớm đang làm đòng, trổ bông, nhiều nông dân đang lo lắng ruộng lúa sẽ giảm năng suất vào cuối vụ. Ông Huỳnh Văn Trứ (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) lo lắng: “Cây lúa ngập nước nhiều ngày sẽ vượt theo mực nước, đến khi nước rút e là sẽ bị xuống lá, đổ sập…, nông dân lại phải tốn phân, thuốc thì lúa mới phát triển lại được. Đó là giải pháp trước mắt, còn năng suất thì chờ cuối vụ tính tiếp…”. Theo thống kê, cả huyện Phước Long và Hồng Dân hiện có 5.700ha lúa đang trổ bông ngập úng. Dù hiện tại mưa đã tạm ngừng nhưng nhiều diện tích lúa vẫn bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cuối vụ là điều không thể tránh khỏi.
Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả
Trước tình hình mưa, dông gây ảnh hưởng mùa vụ và nhà cửa, tài sản của người dân, các địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại trong sản xuất cũng như giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Đối với những căn nhà bị sập hoặc tốc mái do dông lốc, chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng xuống hiện trường giúp bà con sắp xếp lại đồ đạc, bố trí nơi ở tạm. Đồng thời, huyện cũng xuất kinh phí hỗ trợ tại chỗ cho các gia đình để giúp bà con tạm ổn định cuộc sống trong những ngày chờ sửa chữa và xây cất lại nhà mới.
Ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Ngành chức năng đã cho mở các cống ngăn mặn dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, huy động toàn bộ máy bơm, trạm bơm nội đồng, tổ chức tiêu úng ngay để cứu lúa, hoa màu”. Song song đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, thống kê cụ thể mức độ thiệt hại và bàn biện pháp khắc phục, nhất là đối với các diện tích lúa đang trổ bông, khuyến khích nông dân thu hoạch rau màu sớm. Ông Lê Văn Bảo (ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Từ đầu mùa mưa đến giờ thì đây là đợt mưa lớn nhất, nước ngập sâu nhất. Nhờ ngành chức năng mở cống xả nước liên tục, rồi máy bơm vận hành ngày đêm nên gia đình tôi mới có thể thu hoạch được gần 1 công rau xà lách, giảm bớt thiệt hại”.
Gia đình ông Lê Văn Bảo tranh thủ thu hoạch rau màu sau khi nước rút dần. Ảnh: C.L
Những trận mưa, dông đã tạm qua đi, tuy nhiên, hậu quả mà nó mang lại thì vẫn còn hiện hữu. Đang là mùa mưa bão nên các điều kiện thời tiết cực đoan như những ngày qua có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Hơn hết, để giảm nhẹ thiệt hại cũng như chủ động trước các tình huống thời tiết cực đoan, người dân nên chằng chống nhà cửa, gia cố bờ bao, cắt tỉa bớt cây xanh dọc theo các tuyến đường để đề phòng đổ ngã khi có dông lốc xảy ra.
Chí Linh