Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Thấp thỏm vụ hè thu
Năm nào cũng vậy, mỗi khi bước vào vụ lúa hè thu, nông dân đều thấp thỏm lo âu khi mưa bão triền miên, lúa đổ ngã khiến sản lượng thu hoạch bị thất thoát, giá lúa sụt giảm, khó tìm đối tác tiêu thụ…
Ông Trịnh Văn Cường - Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Cường chia sẻ kinh nghiệm về liên kết bao tiêu lúa gạo.
Nông dân xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) nỗ lực be bờ, tháo nước để cứu lúa hè thu trong vụ mùa năm 2022.
Khó liên kết tiêu thụ
Bên cạnh những bất lợi của thời tiết thì điều lo lắng nhất của nông dân trong vụ hè thu vẫn là vấn đề đầu ra cho hạt lúa. Việc thương lái hay cánh “cò” lúa bỏ của chạy lấy người khi thấy những ruộng lúa mà họ đã đặt cọc bị đổ ngã, ngập úng là chuyện thường xuyên xảy ra. Khi ấy, nông dân phải đơn phương chật vật xoay sở, chạy vạy khắp nơi để tìm người mua lúa, hòng vớt vát lại đôi chút để trả tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật cho đại lý.
Từ nhiều năm nay, vụ lúa hè thu đã trở thành vụ mùa “được ăn cả, ngã về không” của nhiều nông dân. Bởi, nếu bỏ ruộng hoang trong suốt 3 - 4 tháng ròng chờ vụ sau thì không có thu nhập. Chính vì vậy, nhiều người vẫn xuống giống dù biết lợi nhuận cuối vụ hè thu thường rất thấp, trong khi chi phí sản xuất lại cao hơn so với các vụ lúa khác trong năm. Anh Nguyễn Minh Triều (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Đầu vụ thì nhìn lúa xanh tươi mơn mởn, đẻ nhánh, làm đòng nhìn thích mê. Nhưng đến khi lúa chín, chỉ cần mưa liên tiếp mấy ngày liền rồi gió giật vài bữa là coi như không còn gì để thu hoạch. Đã vậy, mấy vụ gần đây chi phí còn tăng cao hơn so với trước, tiền thuê nhân công gần 400.000 đồng/người/ngày. Nếu thời tiết diễn biến bất lợi thì chuyện thua lỗ là không tránh khỏi”. Không tìm được “đối tác” liên kết tiêu thụ ngay từ đầu vụ cũng như cung ứng vật tư nên việc “ăn trước, trả sau” cũng là một trong những gánh nặng của nông dân trong vụ mùa này.
Thời gian qua hệ thống hạ tầng thủy lợi, trạm bơm, ô đê bao được các địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư duy tu, xây mới nhằm từng bước hoàn thiện giúp nông dân chủ động trong việc luân chuyển nguồn nước, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ. Tuy nhiên, không phải nơi nào hạ tầng cũng đồng bộ, liên thông và nhất là mỗi khi thời tiết mưa dầm, mực nước ở các tuyến kênh nội đồng tăng cao, khiến việc bơm tháo nước ra khỏi ruộng để cứu lúa trở thành vấn đề nan giải với nhiều địa phương. Chính vì thế, nhiều vụ hè thu liền nông dân phải ngậm ngùi đứng nhìn ruộng lúa nảy mầm ngoài đồng vì không thể thu hoạch.
Việc hạ tầng chưa đồng bộ còn khiến cho một bộ phận người dân không thể chủ động trong canh tác, khó khăn trong quản lý, xử lý dịch hại phát sinh trên ruộng lúa, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.
Nhiều diện tích lúa hè thu của nông dân Phường 8 (TP. Bạc Liêu) bị sập và ngập úng trong vụ mùa hè thu năm 2022. Ảnh: C.L
Cần sự chung tay
Trước thực trạng trên, đòi hỏi ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tham mưu, đề xuất các giải pháp và vào cuộc một cách hiệu quả. Theo nhiều nông dân, giải pháp cốt yếu nhất là các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp cần làm tốt vai trò của mình, nhằm cung ứng các loại dịch vụ đầu vào cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Một vấn đề nữa, hiện nay việc chọn giống lúa canh tác của nông dân vẫn còn manh mún và chưa thống nhất việc canh tác theo từng vùng cho phù hợp, tạo hàng hóa tập trung để thuận lợi cho liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Điều này không chỉ gây khó trong khâu liên kết bao tiêu mà ngay cả việc bơm tát, thu hoạch vào cuối vụ cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, khó kêu gọi công ty, doanh nghiệp vào liên kết bao tiêu sản phẩm.
Trên thực tế, đã có một số HTX dịch vụ nông nghiệp làm tốt khâu phục vụ, tạo niềm tin với nông dân, như HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình), HTX Nam Hưng, HTX Đồng Tâm (huyện Vĩnh Lợi)… luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu, hoạt động có chiều sâu, được các xã viên và nông dân tin tưởng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng cần triển khai nhiều lớp tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, từ việc giảm lượng giống gieo sạ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn 40 ngày đầu... Đồng thời, khuyến cáo nông dân chuyển từ bón phân vô cơ sang hữu cơ hoặc vi sinh để cải tạo đất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất; vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác, HTX, canh tác theo hướng an toàn và bền vững, nhằm tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí đầu tư.
Hết hạn mặn, dông lốc rồi đến mưa dầm, trong khi vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng giá - đó là “điệp khúc” mà nông dân luôn phải đối mặt trước diễn biến cực đoan của thời tiết, của biến động giá cả thị trường. Trong khi giá lúa cuối vụ luôn là một ẩn số đối với người nông dân vốn chỉ quen tay cày, tay cuốc. Hơn lúc nào hết, nông dân rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc bảo vệ trà lúa hè thu, tìm đầu ra cho hạt lúa trong vụ này để nông dân không phải trải qua một vụ mùa trắng tay.
Chí Linh
Theo ông Trịnh Văn Cường - Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình): “Trong tình hình nhiều loại chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng giá, đẩy nông dân vào thế khó, “càng làm càng lỗ” thì với mô hình liên kết sản xuất, nông dân được hỗ trợ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình canh tác đến lúc thu hoạch, toàn bộ lúa được doanh nghiệp thu mua với mức giá cam kết từ đầu vụ sẽ là giải pháp tối ưu nhất với nông dân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp cũng cần định hướng cho bà con trong việc chọn giống, tuân thủ lịch thời vụ, kỹ thuật canh tác… để qua đó từng bước nâng cao giá trị lúa gạo của tỉnh”.
- Quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Tăng cường công tác y tế đảm bảo đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm
- Huyện Đông Hải: Vận động Quỹ Vì người nghèo được hơn 2 tỷ đồng
- Tập trung triển khai Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số