Thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp: Vẫn còn nhiều bất cập

Thứ Ba, 27/08/2024 | 13:53

Tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan đã và đang khiến cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đã qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều mô hình, cách làm hay nhằm từng bước khắc phục ô nhiễm do rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, song trên thực tế, công tác thu gom và xử lý chất thải hiện vẫn còn là bài toán khó đối với nhiều địa phương.

Vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi - một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: C.L

Khó thu gom, kiểm soát

Các loại thuốc BVTV thường có nguồn gốc xuất xứ, thành phần hóa học phức tạp, trong đó không ít loại có độc tính cao, thời gian lưu giữ trong môi trường lâu. Sử dụng các loại hóa chất lâu dài sẽ làm cho đất, nước, nông sản bị ô nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Hóa chất sử dụng ngày càng nhiều nhưng các biện pháp làm sạch môi trường đồng ruộng, giảm tác động xấu từ các loại hóa chất còn tồn dư trong các vỏ chai, bao bì, thuốc BVTV sau khi sử dụng lại ít được nông dân quan tâm thực hiện, do vậy lượng hóa chất BVTV còn đọng lại trong đất, nước là khá lớn. “Việc sử dụng các loại phân, thuốc BVTV tuy mang lại những vụ mùa bội thu nhưng kéo theo đó môi trường đồng ruộng ngày một ô nhiễm, minh chứng là các loại cá đồng, cua, ốc… ngày càng thưa dần”, ông Nguyễn Văn On (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình), cho biết.

Trên thực tế, nhiều cánh đồng ở một số địa phương như Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình… đều có bể chứa rác thải thuốc BVTV nhưng chưa phát huy tác dụng. Bởi theo ngành Nông nghiệp tỉnh, phần lớn là phụ thuộc vào ý thức của nông dân, hiện vẫn còn tình trạng nông dân vứt bừa bãi vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV ra môi trường, hoặc để chung với các loại rác sinh hoạt. Tỉnh chưa có lò tiêu hủy rác thải thuốc BVTV nên trong khâu xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc bố trí các tuyến đường và vị trí thu gom chất thải chưa hợp lý, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Mặt khác, kinh phí bố trí thu gom và xử lý còn thiếu, chưa huy động được các nguồn lực tham gia xã hội hóa việc thu gom và xử lý. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác thu gom và xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động nông nghiệp...

Trong khi đó, do sâu bệnh phá hại lúa ngày càng nhiều nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV tăng - đồng nghĩa với lượng rác thải cũng tăng theo. Do vậy, việc xử lý rác từ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng đang là vấn đề cấp bách.

Cần phát huy vai trò cộng đồng

Bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với bảo vệ sức khỏe con người là một trong những yêu cầu không thể thiếu được khi nói đến việc định hình nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao tại địa phương. Yêu cầu của công tác BVMT trong hoạt động nông nghiệp và tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh là cần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất và thuốc BVTV, phân bón trong canh tác nông nghiệp; thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất, chăn nuôi; hướng dẫn người dân thu gom đúng cách đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất.

Có thể thấy, để hạn chế những tác động xấu tới môi trường, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong BVMT; tuyên truyền về tác hại của việc vứt bừa bãi các loại bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng đối với sức khỏe con người và môi trường; tạo thói quen cho người dân gom rác bỏ vào nơi quy định, phân loại rác, không vứt chai, bao bì thuốc BVTV bừa bãi xuống sông, mương, bờ bao đồng ruộng… Xây dựng chính sách, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo mô hình tiêu chuẩn kỹ thuật từ chăn nuôi đến xử lý rác thải; hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng trọt sạch, sử dụng các loại phân bón vi sinh, hữu cơ… Đi cùng với đó là tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khi bỏ rác không đúng quy định.

Theo ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh: Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác truyền thông về BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng hóa chất BVTV đem lại giá trị kinh tế và bảo vệ được môi trường. Song song đó là việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hướng người tiêu dùng đến thói quen sử dụng “nông sản sạch” - đây cũng là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy nông dân phát triển một nền nông nghiệp bền vững gắn liền với việc bảo vệ đất nông nghiệp.

Chí Linh

Theo thống kê, nông dân Bạc Liêu sử dụng từ 900 - 1.000 tấn thuốc BVTV/năm. Lượng rác từ thuốc BVTV thải ra môi trường hơn 145 tấn/năm (cách đây 2 năm, lượng rác thải thuốc BVTV chỉ từ 90 - 120 tấn/năm). Tuy nhiên, chỉ mới thu gom, xử lý hơn 1 tấn/năm.

Cụ thể, từ năm 2016 - 2021 đã kết hợp với Công ty Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH TM Tân Thành và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức phát động thu gom, vận chuyển đưa đi tiêu hủy 7,4 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. (Trong đó, năm 2017 thu gom được 2,1 tấn; năm 2018 thu hơn 0,5 tấn; năm 2019 thu hơn 1 tấn; năm 2021 thu được 3,6 tấn rác thải BVTV).

Từ năm 2022 đến nay, các công ty không còn tổ chức các chương trình thu gom, vận chuyển rác thải bao bì phân và thuốc BVTV đi tiêu hủy. Nhưng qua khảo sát thực tế của ngành Nông nghiệp, hiện nay nông dân sau khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV, lượng rác thải bao bì sử dụng trong nông nghiệp trên không thu gom để xử lý theo quy định, còn vứt bỏ ra môi trường, có khoảng 60% lượng rác thải thuốc BVTV ngoài môi trường (trên đồng ruộng, bờ kênh, bờ ao, gốc cây, trong vườn...) gây ô nhiễm cho môi trường là rất lớn.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.