Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tìm hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp Bạc Liêu
Từ nền nông nghiệp lạc hậu, chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm, nông nghiệp Bạc Liêu đã phát triển vượt bậc với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao. Là ngành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nông nghiệp Bạc Liêu cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nông nghiệp Bạc Liêu chỉ sản xuất 1 vụ lúa và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, năng suất và giá trị đều thấp, đời sống nông dân luôn chật vật. 27 năm sau ngày chia tách tỉnh, nông nghiệp Bạc Liêu đã hoàn toàn mang một diện mạo mới. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, nông nghiệp cũng trở thành trụ đỡ của cả nền kinh tế, đời sống nông dân nâng lên đáng kể. Lão nông Nguyễn Văn Hương (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Nông dân bây giờ làm lúa nhàn lắm. Bởi từ khâu làm đất cho đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa hoàn toàn. Gieo sạ, phun thuốc thì bằng máy bay, tất cả phải lao động chân tay nay thay bằng máy móc. Từ sản xuất 1 vụ lúa/năm nay tăng lên 3 vụ/năm và giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận”.
Không chỉ sản xuất lúa, Bạc Liêu còn là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi tôm công nghệ cao. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 145.200ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh hơn 9.800ha. Ngành chức năng cũng đã cấp hơn 20.000 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 39.900ha nhằm đám ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” đã hoàn thành, hướng đến xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước…
Sở NN&PTNT kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: M.Đ
Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững
Khi những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng nặng nề, ngành Nông nghiệp cũng đối diện với bài toán phải tìm được hướng đi bền vững, thuận thiên. Mô hình nuôi quảng canh cải tiến kết hợp (tôm sú - cua - cá) thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế gắn với chuỗi giá trị ở vùng Nam Quốc lộ 1A, hay mô hình tôm - lúa kết hợp ở vùng Bắc Quốc lộ 1A… được xem là những giải pháp hiệu quả đã được ngành Nông nghiệp thực hiện nhân rộng, mang lại hiệu ứng tích cực. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đang xây dựng các mô hình giúp nông dân tiếp cận với các quy định để giảm phát thải trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Thực hiện tái cơ cấu và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, góp phần đảm bảo phát triển bền vững, Bạc Liêu đang định hướng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, để có một nền nông nghiệp phát triển thật sự bền vững theo tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bạc Liêu cần phải làm nhiều hơn. Cụ thể là nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, nhất là nông dân về tầm quan trọng của nông nghiệp trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ đồng ruộng đến bàn ăn gắn với việc phát huy vai trò của “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông); ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0, nhất là các công nghệ phục vụ cho sản xuất… Những nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ sẽ giúp nền nông nghiệp Bạc Liêu nhanh chóng khắc phục những thách thức, hòa nhập vào xu thế phát triển chung.
Trong định hướng phát triển, Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp - nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bạc Liêu được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đổi thay vượt bậc và diệu kỳ như thời gian qua.
Minh Đạt