Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu: Dấn thân để lắng nghe khát vọng cháy bỏng của nông dân trên đồng tôm, ruộng lúa
Theo Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu Hàn Ái Tiến, các cơ quan báo chí, nhà báo cần tiếp tục dấn thân và đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, qua đó, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, cùng những khó khăn của "tam nông". Đặc biệt, kịp thời lắng nghe, chia sẻ những nỗi trăn trở, khát vọng cháy bỏng của nông dân trên đồng tôm, ruộng lúa.
Mất gần 1 năm nhóm tác giả Báo Bạc Liêu rong ruổi ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL để điều tra, ghi nhận, tìm giải đáp cho những câu trả lời: Vì sao nông dân chưa thể làm giàu? Nông dân sẽ làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)? ĐBSCL sẽ đi về đâu khi gần 95% nguồn nước lệ thuộc hoàn toàn vào thượng nguồn Mekong? Cũng từ đó, loạt bài: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đã được ra đời như thế.
Loạt bài này của Báo Bạc Liêu đã đoạt giải Ba tại Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023.
Để hiểu rõ hơn về loạt bài này cũng như vai trò của báo chí trong việc đóng góp "tiếng nói" để lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở ĐBSCL phát triển hiệu quả, bền vững, ông Hàn Ái Tiến - Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu đã có những chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt trước thềm Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội vào tối nay, 10/12.
Thưa ông, vì sao Báo Bạc Liêu lại lựa chọn đề tài: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng ĐBSCL" để nêu lên thực trạng và đưa ra những giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở "vùng đất Chín Rồng"?.
Ông Hàn Ái Tiến - Tổng Biên tập báo Bạc Liêu. Ảnh: Báo Bạc Liêu.
- ĐBSCL được ví như vựa lúa gạo và thủy sản của cả nước, tuy nhiên các tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa được khai thác hết mà nguyên nhân chính là hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh của hàng hóa yếu, cũng như trong tương lai sẽ tự đánh mất thương hiệu của hai mặt hàng chủ lực này.
Vì vậy, việc xây dựng mô hình "lúa thơm, tôm sạch" không chỉ là nhu cầu bức thiết để giải quyết những mâu thuẫn nội tại vốn trở thành "hòn đá tảng" làm cho tiềm năng, thế mạnh không được phát huy đúng mức, thậm chí cạn kiệt và đẩy đến nguy cơ đánh mất các nguồn lực vốn có, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và sự lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nước Mekong.
Xét ở góc độ khác, việc xây dựng mô hình "lúa thơm, tôm sạch" không chỉ giải quyết những vấn đề theo hướng "thuận thiên" và thích ứng, mà về chiến lược đây sẽ trở thành nhu cầu tất yếu cho sự phát triển bền vững. Đó là sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
Đồng thời, từ mô hình sản xuất này làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, nông dân phải làm kinh tế nông nghiệp và sản xuất hàng hóa lớn, đặc biệt nhu cầu phát triển bền vững làm mục tiêu xuyên suốt gắn với chiến lược trong phát triển "tam nông", đó là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Đây là những lý do cơ bản để Ban Biên tập Báo Bạc Liêu chỉ đạo thực hiện chuyên đề: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long", nhằm đánh giá đúng thực trạng và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thông qua ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế.
Thông qua tác phẩm báo chí này, Báo Bạc Liêu muốn gửi gắm điều gì, thưa ông?.
- Thông qua chuyên đề "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long", Báo Bạc Liêu muốn cùng với các tờ báo địa phương khác vùng ĐBSCL và cả nước tiếp tục dấn thân và đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền cho "tam nông".
Qua đó, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, cùng những khó khăn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời tiếp tục có những tác phẩm chuyên đề chuyên sâu về "tam nông". Đặc biệt, kịp thời lắng nghe, chia sẻ những nỗi trăn trở và cả những khát vọng cháy bỏng của người nông dân trên đồng tôm, ruộng lúa của mình. Đây là những tiền đề rất quan trọng trong việc hoạch định và xây dựng các chính sách cho phát triển "tam nông" trong tương lai.
Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp nuôi cá đồng và trồng bông súng cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).
Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 “trở thành trung tâm nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và trên thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp” và đến năm 2050 “trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước”. Theo ông, các cơ quan báo chí cần đóng góp tiếng nói như thế nào để góp phần thực hiện thành công Quy hoạch này?.
- Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 "trở thành trung tâm nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và trên thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp" và đến năm 2050 "trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước", càng khẳng định vai trò tiên phong và rất quan trọng của báo chí.
Thông qua báo chí, Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL sẽ được cụ thể hóa qua quy hoạch chi tiết của từng địa phương. Từ những định hướng này sẽ đẩy mạnh hơn nữa mối liên hệ của liên kết vùng vốn được xem là giải pháp cơ bản nhất để tạo nên sức mạnh cho con tôm, cây lúa của cả vùng ĐBSCL.
Muốn vậy, báo chí phải làm cầu nối giữa các tỉnh thông qua các tác phẩm, chuyên đề có tính liên vùng và phải mạnh dạn xóa bỏ "tư tưởng cục bộ địa phương" hay ở quan điểm là chỉ tập trung tuyên truyền cho địa phương mình mà quên đi vai trò của báo chí trong liên kết vùng.
Các tác phẩm báo chí sẽ có tầm nhìn rộng hơn và đa chiều hơn khi thực hiện những chuyên đề chuyên sâu mà chuyên đề: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng ĐBSCL" của Báo Bạc Liêu là một minh chứng cho vấn đề này.
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông dân Việt Nam năm 2023 đã thu hút được 2.700 tác phẩm tham dự. Ngoài loạt bài: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đoạt giải còn có loạt bài: "Những cánh đồng không dấu chân ở miền Tây" của Báo điện tử Dân Trí. Thông qua giải báo chí lần này các tác phẩm dự thi đã nêu lên những khó khăn, hạn chế cũng như đưa ra giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững ở ĐBSCL? Ông có đánh giá như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của giải báo chí này?
- Giải Báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 tuy lần đầu tổ chức nhưng đã thu hút được sự tham gia với con số kỷ lục hơn 2.700 tác phẩm. Điều đó chứng tỏ đề tài "tam nông" rất phong phú và "giàu tài nguyên" để các cơ quan báo chí khai thác.
Mặt khác, đây cũng là lợi thế của vùng ĐBSCL và cả nước nói chung khi kinh tế nông nghiệp có sức chi phối và đóng vai trò chính trong tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, theo tôi, Giải Báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cần được tiếp tục được duy trì, mở rộng, từ đó quy tụ được sự tham gia tích cực của đội ngũ người làm báo chuyên và không chuyên trong những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Minh Ngọc
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Agribank tổ chức thực hiện.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào hồi 20h00 ngày 10/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại Bạc Liêu
- Họp mặt đồng hương Minh Hải cũ tại TP. Hồ Chí Minh
- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với Sở NN&PTNT về công tác chuẩn bị Festival nghề Muối 2025
- Kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo Việt và 28 năm thành lập Công ty Bảo Việt Bạc Liêu
- LĐLĐ huyện Đông Hải thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đề ra