Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tràn lan lúa giống giả thương hiệu
Trong sản xuất nông nghiệp, câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” xưa nay vẫn giữ nguyên giá trị. Thế nhưng hiện nay, yếu tố thứ tư - giống trong sản xuất dường như đang bị xem nhẹ khi nhiều loại giống lúa nhái nhãn hiệu các loại giống nổi tiếng được bày bán tràn lan trên thị trường. Trong khi đó, nông dân vẫn chấp nhận mua các loại giống này về gieo sạ dù biết đó là những bao lúa giống nhái thương hiệu.
Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT lấy mẫu lúa để kiểm tra chất lượng.
NHỮNG GIỐNG LÚA… “CHẤP NHẬN”
Với thói quen, tập quán gieo sạ dày, vụ nối vụ nên nông dân thường gặp khó trong việc tìm nguồn cung giống lúa chất lượng cao được sản xuất, sàng lọc kỹ lưỡng từ các trung tâm, viện, trường, doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh lúa giống. Thay vào đó, đầu vụ, bà con thường tìm đến các cơ sở kinh doanh tại địa phương để mua lúa giống mà trên bao bì chỉ ghi vỏn vẹn mấy thông tin, tên giống lúa và kèm theo dòng chữ “lúa nguyên liệu”, “lúa lương thực” về để gieo sạ. Nông dân thường gọi vui đây là những bao lúa giống “chấp nhận”. Bởi lẽ, dù biết rất rõ đây là những lô lúa ngang được gieo trồng và chăm sóc như quy trình thông thường, sau đó được các cơ sở sản xuất giống trong và ngoài tỉnh thu mua về sàng lọc, khử lẫn, đóng bao và xuất bán lại cho nông dân. Thậm chí, chính họ cũng có thể tự làm ra lúa giống để bán cho các cơ sở, doanh nghiệp chuyên kinh doanh lúa giống có mặt ở khắp mọi nơi. Ông Trần Minh Mẫn (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Lâu nay nông dân thường chọn mua lúa giống ở các cửa hàng mà họ được đầu tư phân, thuốc vì giá bán mỗi ký lúa giống thường thấp hơn các loại lúa phẩm cấp cao, lúa cấp xác nhận từ 3.000 - 4.000 đồng/kg và còn được đảm bảo bao tiêu vào cuối vụ nên ít ai bận tâm đến chất lượng lúa giống được giao”.
Để né tránh sự kiểm tra, nhiều cơ sở sản xuất lúa giống thường dùng bao trắng để đựng lúa, với tên giống được in qua loa, tèm nhem, có khi còn không đọc được tên giống lúa. Hệ lụy của việc sản xuất, kinh doanh lúa giống tràn lan, thiếu kiểm soát (lúa nguyên liệu được dùng làm giống quá nhiều), dẫn đến tình trạng thoái hóa giống, phát sinh nhiều dịch bệnh, tăng chi phí sản xuất. Chất lượng đầu vào kém thì tất nhiên đầu ra không thể tốt. Và điều dễ nhận thấy nhất đó chính là giá bán cuối vụ của những hộ trồng lúa giống “chấp nhận” thường bị thương lái áp giá thấp hơn so với các thửa ruộng được canh tác bởi lúa giống có bao bì, địa chỉ sản xuất hẳn hoi.
Không chỉ ảnh hưởng đến giá bán mà việc nông dân “chấp nhận” chọn mua các loại giống lúa nhái, giả thương hiệu còn khiến cho các công ty, đơn vị sản xuất lúa giống khoa học, bài bản dần mất thị phần. Thậm chí, không ít giống lúa có chất lượng, được nông dân đánh giá cao như: OM5451, OM4900, RVT, Đài thơm 8, ST,… vừa đưa ra thị trường đã bị làm giả, làm nhái tràn lan, khiến đơn vị sở hữu thiệt đơn, thiệt kép.
Giống “Lúa lương thực”, “Lúa nguyên liệu” giả thương hiệu được bày bán ở các của hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Ảnh: C.L
CẦN XỬ LÝ NGHIÊM TÌNH TRẠNG LÀM GIẢ THƯƠNG HIỆU
Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng sản xuất - kinh doanh giống lúa kém chất lượng diễn ra khá phổ biến. Một số đơn vị còn lợi dụng mối liên kết với cánh đồng lớn, họ tự làm hợp đồng với nông dân, thậm chí là thông qua các hội, đoàn thể cung cấp lúa giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm. Thời gian qua, có rất nhiều đơn thư khiếu nại của nông dân về tình trạng mua phải giống lúa kém chất lượng, dẫn đến lúa bị phân tầng, bùng phát dịch bệnh, năng suất giảm, thậm chí mất mùa. Nhưng cái khó là hợp đồng nông dân ký với các công ty là hợp đồng dân sự, không có điều khoản nào cung cấp lúa giống mà chỉ là lúa nguyên liệu. Vì vậy, cũng không thể áp dụng chế tài xử lý, bảo vệ nông dân một cách thỏa đáng.
Khi lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp, nhưng rất khó xử lý việc kinh doanh giống kém chất lượng do nhiều chiêu trò lách luật. Vì có kiểm tra cũng không có căn cứ để xử phạt, bởi họ dùng chính bao bì của các công ty sản xuất giống đã bán ra, sau đó mua lúa cùng loại đóng vào rồi bán lại cho nông dân. Chưa kể, khi phát hiện có thanh tra, họ đóng cửa hàng, tạm dừng kinh doanh một thời gian. Mặt khác, bao lúa giống hiện nay gần như không có gì để đảm bảo chất lượng, vì chỉ có đóng bao may miệng là xong. Trong khi đó, máy may loại cầm tay bây giờ quá rẻ, rất dễ đầu tư.
Ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết: “Để kiểm tra, đánh giá chất lượng lúa giống thì chỉ còn cách lấy mẫu đưa đi phân tích. Mà khi có kết quả thì đại lý đã bán hết ra cho nông dân rồi, nên rất khó xử lý”.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh giống cây trồng phải có đăng ký đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh. Trên thực tế, có nhiều cơ sở không đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh vẫn tham gia vào sản xuất giống nhưng chưa được các cơ quan có trách nhiệm quản lý chặt chẽ. Trong sản xuất giống, nhất là sản xuất giống lúa phải tuân thủ quy trình để đạt tiêu chuẩn theo từng cấp và những giống lúa được công nhận là giống quốc gia mới được sản xuất - kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tất bật vào vụ mới, nhu cầu về lúa giống cũng theo đó tăng lên. Để đảm bảo cho nông dân có một vụ mùa thành công, hơn lúc nào hết rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng để làm “sạch” thị trường giống, giúp bà con yên tâm sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
KHÔI NGUYÊN