Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2021: Kịch bản tương đương năm 2020
Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa khô năm nay, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 với 3 kịch bản. Sự chủ động này đã từng giúp Bạc Liêu thực hiện thắng lợi các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong năm qua và trở thành địa phương có mức độ thiệt hại thấp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thi công công trình ứng phó với hạn mặn ở huyện Phước Long.
CẮT GIẢM DIỆN TÍCH SẢN XUẤT LÚA
Qua nghiên cứu và dự báo tình hình, Bạc Liêu sẽ chọn kịch bản 2 để ứng phó và kịch bản này tương đương với tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2019 - 2020.
Để chủ động giảm thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, diện tích sản xuất lúa đông xuân sẽ giảm 3.400ha ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Trong đó gồm diện tích tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc Tiểu vùng giữ ngọt (phần diện tích khoảng 500m dọc theo các cống Quốc lộ 1A và các cống phân ranh mặn - ngọt). Cụ thể, ở địa bàn TX. Giá Rai 1.000ha với các ấp như ấp 5, 15, 17, 18, 19 và 21 của xã Phong Tân; huyện Hòa Bình 300ha ở ấp 14, 15, ấp An Khoa của xã Vĩnh Mỹ B; ấp Thị Trấn B, Thị Trấn B1, Thị Trấn A1, ấp Láng Giài, Láng Giài A của thị trấn Hòa Bình; huyện Vĩnh Lợi 900ha ở xã Long Thạnh và một phần xã Châu Thới; huyện Phước Long 1.200ha ở xã Vĩnh Phú Tây…
Rút kinh nghiệm trong đợt hạn mặn năm qua, nhiều ấp của TX. Giá Rai đã bất chấp các khuyến cáo dẫn đến tình trạng thiếu nước và nhiều diện tích lúa bị chết trắng, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều tiết nước.
Đối với vụ lúa trên đất tôm, tỉnh chỉ đạo tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng. Trong trường hợp cần thiết, các huyện, thị xã sẽ tiến hành đắp 78 đập tạm để ngăn mặn và giữ ngọt cho diện tích lúa trên đất tôm. Cũng như theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước nhằm giảm mặn, phèn trong ruộng; bón phân hợp lý cho lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng và quản lý tốt dịch hại cho lúa; phát hiện, phòng trừ các đối tượng rầy nâu, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, lem lép hạt.
Đáng quan tâm ở vụ lúa trên đất tôm, ngoài ảnh hưởng thời tiết sẽ phát sinh bệnh gây hại, vụ lúa này đến khoảng cuối tháng 2/2021 mới thu hoạch dứt điểm. Trong khi đó, do tác động của hiện tượng hạn hán, lượng nước ngọt từ sông Hậu đổ về dự báo thiếu hụt so với cùng kỳ, khả năng mặn xâm nhập cuối vụ sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa. Riêng vụ đông xuân phải đợi đến tháng 4/2021 mới thu hoạch dứt điểm và thời gian này được dự báo là phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt vào thời kỳ cuối vụ.
Nguyên nhân nước mặn xâm nhập, do tác động của triều biển Tây qua sông Cái Lớn - Kiên Giang và tác động của triều biển Đông từ Cà Mau qua trục kênh Chắc Băng, nước mặn từ phía Bắc huyện Hồng Dân vẫn có khả năng xâm nhập sâu qua Ngã Năm - Sóc Trăng và từ đó xâm nhập vào vùng ngọt của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Vì vậy, trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ tiến hành đắp hệ thống 380 đập tạm để tổ chức bơm chuyền trữ nước ngọt cho vụ lúa đông xuân và dự kiến đầu tháng 3/2021.
Nông dân huyện Vĩnh Lợi cắt bỏ lúa lép vì ảnh hưởng xâm nhập mặn.
CHỈ NÊN NUÔI TỪ 1 - 2 VỤ TÔM ĂN CHẮC
Cùng với các giải pháp bảo vệ cây lúa, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, nông dân chỉ nên nuôi 1 vụ/năm; còn mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh thì thả 2 vụ/năm. Trong đó, cần tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để trữ nước trên ao nuôi, nhất là ở vùng Nam Quốc lộ 1A để phòng chống các đợt triều cường cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Cũng như cần có khoảng thời gian ngắt vụ giữa các vụ nuôi như: 1 tháng đối với những ao nuôi hiệu quả và đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, thời gian ngắt vụ là 2 tháng, hoặc thả nuôi các đối tượng khác (cá chẽm, cá kèo, cá mú…) vừa diệt mầm bệnh, tăng thu nhập, vừa cải tạo môi trường.
Đối với mô hình quảng canh cải tiến kết hợp, mô hình luân canh tôm sú - lúa và thủy sản khác, do có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán, nên người nuôi cần tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để bơm trữ nước trên ao nuôi, nhất là ở khu vực TX. Giá Rai. Bên cạnh đó, cần theo dõi thông tin về điều tiết nước, dự báo thời tiết, tình hình dịch bệnh... để chủ động trong sản xuất. Đặc biệt, thời gian và mật độ thả giống nên theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp.
Ngoài ra, do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương, bà con nông dân cần tập trung quản lý tốt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…
Với việc ban hành các giải pháp ứng phó trên, Bạc Liêu hy vọng sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức nếu xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển sản xuất năm 2021.
KIM TRUNG
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia: Tổng lượng dòng chảy sông Mê Công về khu vực ĐBSCL trong mùa khô năm 2020 - 2021 khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15 - 30%. Trong khi đó, dự báo tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở khu vực Nam Bộ sẽ đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm.
Nông dân TX. Giá Rai đắp đập mặn ngăn mặn - giữ ngọt phụ vụ sản xuất lúa.
Dự báo từ tháng 1 - 4/2021, nếu xảy ra nguy cơ xâm nhập mặn vào những ngày triều cường biển Đông (mỗi tháng 2 lần, mỗi lần 5 - 6 ngày), Bạc Liêu sẽ không mở cống lớn Giá Rai, Hộ Phòng lấy nước mặn vào mà chỉ đóng cống, hoặc xổ nước ra một chiều. Những ngày triều kém và triều trung bình sẽ mở cống lấy nước mặn vào.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ phối hợp với tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau trong công tác đo đạc, quan trắc, thông tin tình hình xâm nhập mặn và vận hành hệ thống cống (khi có nước ngọt trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp thì mở cống ở Sóc Trăng và Bạc Liêu để lấy nước ngọt, khi mặn thì đóng các cống không cho mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định của 2 tỉnh; các cống ở tỉnh Cà Mau đóng, mở như các cống Giá Rai, Hộ Phòng ở tỉnh Bạc Liêu). Vì vậy, bà con nông dân cần nắm bắt thông tin vận hành cống, chủ động củng cố bờ bao và kịp thời bơm trữ nước ngọt trước khi nước mặn xâm nhập.
Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa cống, kéo dài đường ống cấp nước sạch nông thôn, công trình kênh mương, tạo nguồn từ nguồn hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2020 (đã được UBND tỉnh phân khai nguồn vốn) và nguồn kinh phí phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2020 (đã được UBND tỉnh phân khai nguồn vốn) để kịp phục vụ sản xuất trong mùa khô năm 2020 - 2021 và những năm tiếp theo.
Riêng các địa phương cần phát động người dân tích cực tham gia phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng trong mùa khô năm 2020 - 2021. Giao cho các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch chi tiết về làm thủy lợi - thủy nông nội đồng từ nguồn hỗ trợ đất lúa năm 2021 và tập trung huy động mọi nguồn lực khác theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm để thực hiện công tác này. Cũng như phát động nông dân tích cực tu bổ bờ bao, ao đầm, nạo vét kênh mương nội đồng để chống hạn - mặn và phấn đấu thực hiện hoàn thành trong tháng 1/2021.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ nên thả nuôi tôm từ 1 - 2 vụ ăn chắc trong điều kiện ứng phó hạn mặn. Trong ảnh: Cải tạo ao chuẩn bị thả nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đông Hải. Ảnh: K.T
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT: Ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn với quyết tâm bảo vệ tốt phát triển sản xuất
Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên tinh thần chủ động, quyết liệt và bảo vệ tốt phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp sẽ huy động nguồn nhân lực của toàn ngành bám sát đồng ruộng và có ngay các giải pháp xử lý các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Về thời vụ sản xuất và bảo vệ sản xuất: Đối với diện tích lúa trên đất nuôi tôm 39.578ha, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai chuẩn bị kế hoạch đắp các đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ sản xuất cho một số khu vực có khả năng ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện điều tiết, vận hành linh động hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất.
Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản trong mùa khô 2020 - 2021 với hơn 142.830ha sẽ tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để trữ nước trên ao nuôi, nhất là ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A để phòng chống các đợt triều cường cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Trong thời gian nuôi trồng thủy sản ở khu vực chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A (từ tháng 2 đến tháng 6/2021) có thời điểm không thể lấy nước mặn vào những ngày triều cường ở các cống lớn Giá Rai, Hộ Phòng, mà chỉ xổ nước ra một chiều (dự báo do lượng nước ngọt về ít, mực nước trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp xuống thấp dưới + 0,00m). Việc này sẽ gây ra hiện tượng thiếu nước mặn cục bộ cho khu vực nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi. Do đó, đề nghị các địa phương quan tâm tuyên truyền, hỗ trợ hộ nuôi trồng thủy sản có kế hoạch gia cố bờ bao, bơm trữ nước mặn vào ao lắng, đầm, vuông tôm, theo dõi tình hình điều tiết nước và chủ động hơn trong sản xuất.
Về công tác điều tiết nước mùa khô vùng phía Bắc Quốc lộ 1A: Tổ chức kiểm tra sửa chữa hệ thống cửa cống, chống rò rỉ mặn qua cửa cống để thực hiện công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất. Thực hiện đóng hệ thống cống đầu mối dọc Quốc lộ 1A và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt vào khoảng trung tuần tháng 12/2020 để trữ nước ngọt trên kênh rạch ở mức cao trình +0,50m phục vụ sản xuất; điều tiết nước mặn cho khu vực nuôi tôm của TX. Giá Rai vào cuối tháng 12/2020 qua các cống nhỏ trên địa bàn thị xã; sẽ mở cống Hộ Phòng, Giá Rai điều tiết nước mặn vào vùng Bắc Quốc lộ 1A để nuôi tôm vào đầu tháng 2/2021.
Bên cạnh đó, vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới vào cuối tháng 1/2021 để điều tiết nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau để vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm…) trong toàn khu vực liên tỉnh.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn: Ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ tập trung phát động phong trào làm thủy lợi, thủy nông nội đồng trong mùa khô năm 2020 - 2021 trên địa bàn toàn tỉnh. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ phát triển đất trồng lúa để xây dựng hệ thống thủy nông nội đồng và các ô thủy lợi khép kín phục vụ sản xuất. Vận động nông dân chủ động làm thủy lợi nông hộ, tôn cao bờ bao, ao đầm để trữ nước và phòng chống triều cường (ở vùng Nam Quốc lộ 1A).
Về đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn: Ngành Nông nghiệp và các ngành, địa phương sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn để xây dựng các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn để cấp nước sạch cho Nhân dân và hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm. Tổ chức kiểm tra lại toàn bộ các trạm cung cấp nước, số hộ có khả năng thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án, kế hoạch kinh phí cụ thể để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, khoan bổ sung hoặc kéo dài đường ống cấp nước... đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2020 - 2021.
TÚ ANH (tổng hợp)
Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 36 và chỉ đạo các ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước…
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4