Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Ứng phó xâm nhập mặn vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A: Cần tăng cường đầu tư công trình ngăn mặn, giữ ngọt
Để giải quyết hài hòa bài toán tranh chấp mặn - ngọt ở vùng Bắc Quốc lộ 1A (QL1A), Bạc Liêu đã và đang đầu tư nhiều công trình phân ranh mặn - ngọt. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm xây dựng những mô hình có khả năng thích ứng cao với biển đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bên trái) thảo luận với ngành chức năng và UBND TX. Giá Rai về việc đầu tư các cống ngăn mặn, giữ ngọt.
UBND huyện Phước Long đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng các công trình ô đê bao khép kín và lắp đặt các thiết bị thông minh để quản lý dịch bệnh.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các cống ngăn mặn, giữ ngọt ở huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ
Đầu tư để phát triển
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cùng các sở, ngành tỉnh đi khảo sát công trình phân ranh mặn - ngọt, công trình quan trắc chất lượng nước ở vùng sản xuất lúa - tôm, các công trình đưa nước ngọt về vùng mặn phục vụ cho nuôi tôm… ở TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân.
Sau 2 năm thực hiện theo sự chỉ đạo của tỉnh, vùng lúa - tôm ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, chất lượng và năng suất không cao. Do vậy, việc đầu tư thi công các công trình ngăn mặn, giữ ngọt là điều cần thiết.
Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, cho biết: “TX. Giá Rai đề nghị tỉnh sên vét kênh Vĩnh Phong để đảm bảo đủ nước sản xuất cho 7.000ha lúa. Năm 2019, thị xã sẽ đầu tư xây dựng 5 cống hở và 3 trạm bơm nước ở vùng chuyên lúa để đảm bảo nguồn nước ngọt sản xuất. Còn vùng lúa - tôm, thị xã quy hoạch 3.000ha. Hiện nay, tuyến Giá Rai - Phó Sinh đã có 8 cống, thị xã đề nghị tỉnh đầu tư xây thêm 5 cống thì sẽ đủ nước ngọt phục vụ sản xuất 1.200ha lúa”.
Còn ở khu tam giác Ninh Quới (huyện Hồng Dân), khi các cống ngăn mặn và âu thuyền Ninh Quới được xây dựng hoàn thành thì sẽ kiểm soát được nguồn nước mặn - ngọt. Theo ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân: “Huyện Hồng Dân có 25.000ha nuôi tôm, nhưng ở vụ 2 thì có khoảng 10.000ha không nuôi tôm được do độ mặn quá cao. Nếu đưa nước ngọt về (pha loãng để nuôi tôm) thì 10.000ha này sẽ góp phần tăng sản lượng đáng kể”.
Năm 2019, Bộ NN&PTNT thống nhất với tỉnh xây dựng 2 âu thuyền ở TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai để khi cần thiết đưa nước ngọt qua vùng Nam QL1A pha loãng, giảm độ mặn để phục vụ nuôi tôm. Bên cạnh đầu tư xây dựng các công trình cống và ô đê bao ngăn mặn, giữ ngọt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát để lắp đặt 24 trạm quan trắc chất lượng nước, mỗi trạm đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.
Nếu đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt và đầu tư công nghệ - khoa học phục vụ sản xuất, tỉnh sẽ chủ động việc điều tiết nước cho từng tiểu vùng và đưa toàn vùng (Bắc QL1A và Nam QL1A) phát triển bền vững.
Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm
Một trong năm trụ cột của tỉnh là phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm - lúa. Vì vậy, cần nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở vùng Nam QL1A và mô hình tôm - lúa ở vùng Bắc QL1A. Tập trung xây dựng các ô đê bao khép kín, cánh đồng tôm lớn, cánh đồng lúa lớn; nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, chuỗi liên kết bao tiêu tôm, lúa; nâng cao chất lượng lúa và sản lượng tôm để xuất khẩu.
Để thực hiện tốt kế hoạch trên, các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống đê bao khoanh vùng chuyên mặn để tác động kỹ thuật vào nuôi tôm, và có thể nuôi tôm thâm canh bán công nghiệp; lắp đặt các thiết bị quan trắc các thông số về độ mặn, pH… phục vụ nuôi tôm. Ở vùng ngọt, ngoài xây dựng ô đê bao khép kín ở các cánh đồng lúa lớn, cần lắp đặt các thiết bị thông minh quản lý dịch hại, sâu rầy nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Để thúc đẩy phát triển vùng Bắc QL1A, xây dựng huyện Phước Long thành trung tâm kinh tế trọng điểm của tỉnh, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Toàn tỉnh có 3 tuyến QL, đường lớn chạy qua như QL1A, Quản Lộ Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu. Các đường đấu nối ngang từ QL1A đến Quản Lộ Phụng Hiệp, còn từ hệ thống Quản Lộ Phụng Hiệp giáp với các tỉnh lân cận thì chưa có hệ thống giao thông lớn. Tới đây, tỉnh sẽ đầu tư mở rộng tuyến đường Ngan Dừa - Ninh Quới để phá thế độc đạo cho huyện Hồng Dân. Tỉnh cũng đã xin vốn Trung ương đầu tư tuyến đường từ Phó Sinh đi Cạnh Đền (giáp với huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang); đầu tư tuyến đường từ cầu Phước Long đi qua huyện Vĩnh Thuận. Cùng với đó là xây dựng các ô đê bao khép kín ở vùng chuyên lúa và mở rộng diện tích vùng lúa - tôm nhằm ổn định sản xuất ở hai vùng mặn, ngọt”.
Minh Đạt
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Hội thảo và tuyên dương tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 1975 - 2025
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”
- Ra mắt mô hình “Ấp thông minh - không ma túy, không tệ nạn xã hội” tại thị trấn Phước Long