Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022: Chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn
Đối với tỉnh Bạc Liêu, vụ đông xuân được xem là vụ sản xuất chính mang đến nguồn thu nhập quan trọng của người nông dân. Thế nhưng vụ đông xuân năm nay, ngay từ đầu vụ nông dân phải đương đầu với nhiều khó khăn khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao từ 2 - 3 lần so với cùng kỳ. Không chỉ thế, theo dự báo của ngành Nông nghiệp, ở vụ mùa này phải tiếp tục ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và cả bài toán thu hoạch, tiêu thụ hạt lúa trong điều kiện đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nông dân huyện Phước Long cải tạo đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Ảnh: L.D
NÔNG DÂN THAN KHÓ
Qua khảo sát thực tế cho thấy, tại các vùng chuyên lúa ở phía Bắc Quốc lộ 1A hiện nay, nông dân đang khẩn trương cải tạo đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của triều cường dâng cao nên nhiều tiểu vùng sản xuất ngập chìm trong nước và nông dân không thể tập trung xuống giống được.
Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân ở ấp Bà Chăng A (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi), hơn 2 tháng qua khu vực này ngập chìm trong biển nước, mặc dù nông dân đã tiến hành bơm tát nhưng do mực nước trên các con kênh thủy lợi cao hơn mặt ruộng nên không thể bơm nước ra ngoài để cứu lúa. Trong đó, có một số diện tích lúa sạ sớm đã bị “chết trắng” do ngập úng.
Nông dân Ngô Thanh Du (ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới) than thở: “Sản xuất vụ đông xuân năm nay gặp nhiều khó khăn và tốn chi phí rất nhiều, ngoài giá phân tăng đột biến từ 2 - 3 lần so với cùng kỳ (phân URE từ 450.000 đồng/bao tăng lên hơn 900.000 đồng/bao), thì thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng rất cao. Song, điều đáng lo nhất hiện nay là nếu tình trạng ngập úng không được xử lý thì chuyện nông dân bỏ vụ hoặc xuống giống trễ lịch thời vụ theo khuyến cáo là khó tránh khỏi”.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi yêu cầu bà con nông dân ở ấp Bà Chăng A cần tập trung huy động máy bơm và thực hiện bơm tát đồng loạt. Về phía Phòng NN&PTNT huyện sẽ huy động phương tiện vào giúp dân gia cố và đắp cao bờ bao để bơm nước ra ngoài, nhằm khẩn trương xuống giống theo đúng lịch thời vụ.
Ngoài huyện Vĩnh Lợi thì một số địa phương khác do ảnh hưởng triều cường và nước từ thượng nguồn đổ về làm cho nhiều tiểu vùng sản xuất bị ngập sâu. Do vậy, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương cần khẩn trương giúp dân và tăng cường công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, vì theo lịch thời vụ: đối với vụ đông xuân sớm sẽ xuống giống từ ngày 15/11 - 15/12/2021; còn vụ đông xuân chính vụ thì xuống giống từ ngày 25/12/2021 - 20/1/2022. Riêng những khu vực xuống giống không đảm bảo khung lịch thời vụ đã khuyến cáo và những nơi thường xuyên thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn ảnh hưởng ở cuối vụ như vùng xa nguồn nước ngọt, giáp mặn như ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long), phường Láng Tròn, xã Phong Tân (TX. Giá Rai)… thì tùy theo địa phương, xác định có thể không xuống giống lúa đông xuân để tránh thiệt hại cho sản xuất…
Nạo vét kênh thủy lợi để chống hạn mặn ở huyện Hồng Dân.
XÂY DỰNG KỊCH BẢN ỨNG PHÓ
Theo kế hoạch sản xuất, vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 Bạc Liêu sẽ tập trung xuống giống với diện tích trên 47.470ha. Song, điều đáng quan ngại hiện nay chính là vụ đông xuân phải đối đầu với hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - thủy văn quốc gia: Từ tháng 2 - 4/2022, nhiệt độ phổ biến thấp hơn từ 0 - 0,50C so với trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt từ nay đến cuối năm 2021, mực nước hạ lưu sông Mê Kông chịu ảnh hưởng của các đợt thủy triều, trong các tháng mùa khô năm 2021, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông (trạm Kratie - Campuchia) ở mức thiếu hụt từ 10 - 15% so với TBNN. Xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN và các đợt xâm nhập mặn có xu thế tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh vào các thời kỳ và kéo dài cho đến tháng 5/2022. Trong khi đây là thời gian cây lúa đang phát triển và cần nguồn nước ngọt ổn định.
Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, Sở NN&PTNT đang xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh với 3 kịch bản. Theo đó, qua phân tích tình hình và dự báo thời tiết, ngành Nông nghiệp đề xuất UBND tỉnh chọn Kịch bản 2 (gay gắt tương đương mùa khô năm 2019 - 2020) làm phương án để chủ động trong chỉ đạo, điều hành phát triển sản xuất.
Với Kịch bản 2 này, vụ đông xuân 2021 - 2022 Bạc Liêu sẽ giảm 3.400ha lúa đông xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt và diện tích sản xuất chủ yếu tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc Tiểu vùng giữ ngọt. Cụ thể, TX. Giá Rai giảm 1.000ha (ấp 5, 15, 17, 18, 19 và 21 của xã Phong Tân); huyện Hòa Bình: 300ha (ấp 14, ấp 15, ấp An Khoa - xã Vĩnh Mỹ B; ấp Thị Trấn B, Thị Trấn B1, Thị Trấn A1, ấp Láng Giài, ấp Láng Giài A - thị trấn Hòa Bình); huyện Vĩnh Lợi: 900ha (xã Long Thạnh, một phần xã Châu Thới); huyện Phước Long: 1.200ha (xã Vĩnh Phú Tây); còn lại giữ nguyên kế hoạch sản xuất vụ đông xuân với trên 44.070ha như đầu năm.
Trên tinh thần chủ động ứng phó và giảm tối đa các thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai các giải pháp đã được phê duyệt theo Kịch bản 2. Trong đó, trọng tâm tập trung trong tháng 1 và tháng 2/2022 với nhiệm vụ chính là tập huấn và điều tiết nước. Cụ thể là tuyên truyền, hướng dẫn nông dân giảm sử dụng phân bón vô cơ, tăng cường phân bón hữu cơ và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch hại, khắc phục các yếu tố bất lợi đầu vụ (phèn mặn, ngộ độc hữu cơ); gieo sạ thưa, áp dụng rộng rãi “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” và tưới nước tiết kiệm. Cùng với đó là đẩy mạnh tập huấn về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và thành lập Tổ quan trắc, đo đạc diễn biến nguồn nước để kịp thời thông báo cho nông dân.
Về giải pháp thủy lợi, sẽ tổ chức kiểm tra, sửa chữa hệ thống cửa cống, chống rò rỉ mặn qua cửa cống. Đồng thời, đóng hệ thống cống đầu mối dọc Quốc lộ 1A và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt vào trung tuần tháng 12/2021 để trữ nước ngọt trên kênh rạch ở mức cao trình +0,50m phục vụ sản xuất. Thực hiện điều tiết nước mặn cho khu vực nuôi tôm của TX. Giá Rai trong cuối tháng 12/2021 qua các cống nhỏ trên địa bàn thị xã; mở cống Hộ Phòng, Giá Rai điều tiết nước mặn vào vùng Bắc Quốc lộ 1A để nuôi tôm vào khoảng tuần đầu tháng 2/2022 (khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch dứt điểm vụ lúa trên đất tôm) và vận hành Âu thuyền Ninh Quới vào đầu tháng 2/2022.
Phối hợp tốt với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau để vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm) đạt hiệu quả...
Với những giải pháp quan trọng trên, Bạc Liêu hy vọng sẽ ứng phó có hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn và bảo vệ tốt trà lúa đông xuân, đảm bảo nông dân sản xuất có lãi...
KIM TRUNG
* Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Tích cực làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất
Để hóa giải các khó khăn, thách thức do thực tiễn đặt ra, các địa phương cần tích cực làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất. Theo đó, các địa phương cần xây dựng và triển khai ngay kế hoạch chi tiết công tác làm thủy lợi, thủy nông nội đồng từ đầu tháng 1/2022 và khẩn trương tổ chức thực hiện. Cụ thể, sẽ đắp 89 đập bảo vệ lúa trên đất nuôi tôm vào đầu tháng 1/2022 và đầu tháng 3/2022 sẽ đắp 448 đập bảo vệ lúa đông xuân.
Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện việc đắp đập và tổ chức bơm chuyền bảo vệ sản xuất cho 34.836ha lúa đông xuân...
Đối với việc giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo ở vụ đông xuân, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mô hình nhân rộng sản xuất gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Hiện nay, đã có các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân như: Công ty Cổ phần gạo Ông Thọ, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty TNHH MTV Vina Toàn Phát Bạc Liêu, Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu, Hợp tác xã Vĩnh Cường… Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tạo điều kiện và mời gọi các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân...
* Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - Từ Minh Phúc: Tăng cường liên kết giúp dân thu hoạch và bao tiêu lúa
Vụ đông xuân 2021 - 2022, huyện Vĩnh Lợi tập trung sản xuất trên 7.000ha. Đây là vụ lúa cho năng suất, chất lượng cao và ổn định nhất trong năm.
Rút kinh nghiệm từ vụ hè thu vừa qua phải tập trung “giải cứu” lúa và gặp khó trong khâu thu hoạch do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể huy động được máy gặt đập ngoài tỉnh vào giúp dân thu hoạch. Do vậy, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường liên hệ và kết nối chặt chẽ với các huyện trong và ngoài tỉnh để kịp thời hỗ trợ nhau trong khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa vào những giai đoạn cao điểm. Việc thu hoạch và bao tiêu phải trong thế chủ động, thích ứng linh hoạt ngay trong điều kiện phải ứng phó với dịch COVID-19. Song song đó, tập trung vận động người dân sản xuất đồng loạt và liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nhằm ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và giảm rủi ro.
Ngoài ra, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cho ô đê bao khép kín và trạm bơm tập trung, nhằm phục vụ tốt sản xuất gắn với đầu tư hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn, liên kết bao tiêu sản phẩm, từng bước nâng cao hiệu qủa bền vững cho sản xuất lúa.
* Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi
Vụ lúa đông xuân này, huyện Phước Long sẽ canh tác trên diện tích 13.736ha. Đây là vụ lúa có nguy cơ bị thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn rất cao.
Qua khảo sát thực tế, khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt dự kiến khoảng 1.200ha và tập trung ở các ấp Phước 2, Bình Tốt A, Bình Thạnh A, Bình Bảo, Bình Lễ (xã Vĩnh Phú Tây); ấp Long Thành (thị trấn Phước Long) và dự báo thời gian thiếu nước ngọt gay gắt là từ đầu tháng 3/2022.
Bên cạnh đó, khu vực có nguy cơ mặn xâm nhập cao tập trung ở các ấp có diện tích tiếp giáp với các cống phân ranh mặn - ngọt thuộc các xã Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Phú Đông và thị trấn Phước Long…
Sự ảnh hưởng tiêu cực này sẽ làm một số diện tích bị giảm năng suất và nguồn nước ngọt dự báo có khả năng nhiễm phèn, kéo theo chi phí sản xuất vụ đông xuân gia tăng do phải sử dụng nhiều nhiên liệu bơm tát (có thể bơm chuyền từ 2 - 3 cấp) để tưới nước chống hạn.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất huyện sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí năm 2022, nguồn hỗ trợ đất trồng lúa và một số vốn kết dư khác, nhằm kịp thời phục vụ sản xuất mùa khô cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Bên cạnh đó, tổ chức nạo vét 26 tuyến kênh thủy lợi cấp 2, cấp 3 vượt cấp bị bồi lắng để dẫn nước tạo nguồn… Đặc biệt là phát động phong trào làm thủy nông nội đồng mùa khô năm 2021 - 2022 tối thiểu là 35 kênh nội đồng. Nạo vét khơi luồng dòng chảy tại các điểm nghẽn nước, nhất là các vị trí đầu kênh, các ngã ba, ngã tư thường xuyên bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy, giải phóng nò đó, vật cản trên kênh để cho nước được lưu thông…
K.T (thực hiện)