Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Vụ lúa thu đông: Hàng ngàn héc-ta không đưa vào sản xuất, vì sao?
Trong vụ lúa thu đông năm nay, đến thời điểm này có hàng ngàn héc-ta nông dân trong tỉnh chưa xuống giống, trong khi lịch thời vụ đã kết thúc. Nguyên nhân được cho là do giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá lúa không tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, khiến nhiều nông dân bỏ đất trống, không sản xuất vụ này.
Những cánh đồng còn trơ gốc rạ không xuống giống lúa thu đông. Ảnh: M.Đ
NHIỀU DIỆN TÍCH ĐẤT BỊ BỎ TRỐNG
Trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm nông dân trong tỉnh bắt tay vào cải tạo đồng ruộng và xuống giống vụ lúa thu đông. Thế nhưng đến nay, lịch xuống giống đã kết thúc mà vẫn hàng ngàn héc-ta nông dân chưa đưa vào sản xuất. Nông dân chẳng màng ra đồng, cũng không theo dõi giá lúa lên xuống, bởi họ đã quyết định bỏ vụ lúa thu đông. Điển hình ở xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) có 1.800/2.000ha diện tích nông dân bỏ vụ.
Thời điểm này của năm trước, tại các vùng lúa đang xanh đồng, nông dân bắt đầu tỉa dặm, thì năm nay, trên các cánh đồng chỉ toàn là gốc rạ hoặc có ruộng trắng xóa nước. Gia đình anh Trịnh Văn Tiệp (ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) có 1ha đất sản xuất, nhưng vụ này anh quyết định không xuống giống lúa. Anh Tiệp cho biết, nguyên nhân không xuống giống vụ lúa thu đông vì tính đi tính lại, sản xuất quá nhiều rủi ro, không đảm bảo lợi nhuận nên buộc lòng bỏ vụ. “Vụ hè thu vừa rồi nông dân chúng tôi bị thiệt hại, năng suất không cao, giá lúa giảm nên bị lỗ. Ngược lại, chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cộng với giá thuê máy cày, máy gặt cũng tăng cao nên sản xuất sẽ tiếp tục không có lãi”, anh Tiệp chia sẻ.
Qua thống kê cho thấy, toàn huyện Vĩnh Lợi chỉ có khoảng 2.500/7.000ha nông dân xuống giống vụ lúa thu đông, còn lại 4.500ha đã bỏ vụ. Đây là lần đầu tiên nông dân vùng ngọt chuyên lúa của huyện bỏ vụ thu đông với diện tích lớn.
Không riêng huyện Vĩnh Lợi, ở huyện Hòa Bình cũng diễn ra tình trạng nông dân bỏ vụ lúa thu đông. Thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 2.800ha diện tích không sản xuất vụ lúa này. Theo nhiều nông dân, chi phí sản xuất đang ở mức cao, thời tiết không thuận… là những nguyên nhân khiến nhiều hộ chấp nhận để ruộng trống, chờ vụ sau.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi thống kê diện tích đất bỏ vụ lúa thu đông trên địa bàn xã Vĩnh Hưng A.
NHỮNG BẤT CẬP CẦN THÁO GỠ
Không chỉ các nông hộ dân mà ngay cả thành viên các hợp tác xã (HTX) cũng bỏ đất trống, không sản xuất vụ lúa thu đông. Ông Trịnh Văn Ngang - Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Tâm, cho biết: HTX có trên 210ha, sản xuất 3 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, do vụ lúa hè thu thua lỗ, đồng thời chi phí đầu tư sản xuất lúa đang ở mức cao nên 100% xã viên thống nhất không gieo sạ vụ thu đông. Cũng theo ông Ngang, hiện giá nhiều loại vật tư nông nghiệp đang ở mức rất cao và có xu hướng tăng thêm nữa. Đơn cử như phân D.A.P có giá 1,6 triệu đồng/bao, tăng 25% so với thời điểm vụ hè thu; các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 30 - 50% so với trước. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết đến cuối năm mưa bão không thuận lợi cho sản xuất. Đây là những nguyên nhân chính mà các xã viên HTX quyết định bỏ vụ lúa thu đông.
Hiện toàn tỉnh ước tính có khoảng 9.000ha bị bỏ trống không sản xuất vụ lúa thu đông. Về vấn đề này, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, lưu ý: “Để không bỏ phí đất, bà con nên chuyển sang canh tác các đối tượng khác như cá, màu, nuôi vịt… Đồng thời hướng đến hình thức canh tác tiến bộ, chủ động chọn lựa đối tượng cây trồng - vật nuôi kết hợp để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích”.
Trước tình trạng nông dân bỏ sản xuất vụ lúa thu đông, ngành Nông nghiệp đang có động thái nhằm giải quyết những bất cập trên. Trước mắt là cơ cấu lại mùa vụ để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, nhất là hệ thống đê bao khép kín gắn với trạm bơm nhằm chủ động tưới tiêu trong sản xuất. Để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện khó khăn, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ kết hợp giảm lượng phân bón hóa học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành trong sản xuất…
MINH ĐẠT
Theo nhiều địa phương và ngành chức năng, việc nông dân bỏ vụ lúa thu đông cũng đồng nghĩa với viêc để cho đất nghỉ ngơi. Đồng thời, đây cũng là dịp để nơi nào không có điều kiện, trũng thấp cơ cấu lại mùa vụ, như sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. Theo ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nơi nào có điều kiện làm thì địa phương vận động nông dân xuống giống đồng loạt, không thì để đất nghỉ ngơi, dưỡng độ phì nhiêu cho đất. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho vụ đông xuân được tốt hơn.