Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái nông thôn
Du lịch sinh thái là mô hình du lịch được nhiều người yêu thích, do đó, Bạc Liêu cũng đang hướng đến việc xây dựng các sản phẩm OCOP kết hợp với tham quan du lịch. Theo đó, ngày càng nhiều mô hình sinh thái mọc lên phục vụ các tua tuyến du lịch, qua đó góp phần giới thiệu các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) - một trong những điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.
Phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP đặc trưng
Không chỉ có điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới), huyện Vĩnh Lợi còn sở hữu các điểm tham quan, hành hương nổi tiếng như: tháp cổ Vĩnh Hưng, chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện… Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện xây dựng những tua tuyến du lịch từ sự kết nối giữa điểm du lịch và điểm giới thiệu, kinh doanh sản phẩm OCOP. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm OCOP phục vụ du lịch sinh thái vườn.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Lợi tiếp tục hỗ trợ các tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP đặc trưng. Bên cạnh việc hướng dẫn các xã, thị trấn, các chủ thể có sản phẩm OCOP xây dựng câu chuyện về sản phẩm, huyện còn chú trọng công tác tuyên truyền về chương trình OCOP thông qua phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng website, các hội nghị về du lịch; vận động các chủ thể tích cực tham gia hội chợ thương mại - du lịch để lan tỏa hình ảnh sản phẩm OCOP của địa phương.
Một trong những sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch sinh thái nông thôn của huyện Vĩnh Lợi phải kể đến là vườn táo trong nhà lưới của anh Phạm Thanh Phương (thị trấn Châu Hưng). Anh Phương đã đầu tư toàn bộ hệ thống nhà lưới để trồng hơn 350 gốc táo, sau 3 năm thực hiện, mô hình cho hiệu quả rất cao. Táo trồng trong nhà lưới không phun thuốc bảo vệ thực vật, không sâu bệnh, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Mỗi năm anh Phương thu hoạch 2 vụ táo, trừ các khoản chi phí, thu về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Hội Nông dân các cấp đã hỗ trợ gia đình anh Phương từng bước thực hiện các thủ tục đăng ký mã vạch QR cho vườn táo sạch, để đưa trái táo sạch vào các siêu thị và đăng ký sản phẩm OCOP. Sau khi được cấp mã vạch QR, Tổ giúp việc xây dựng sản phẩm OCOP huyện Vĩnh Lợi cũng đã hướng dẫn anh Phương đăng ký để trái táo sạch trồng trong nhà lưới trở thành sản phẩm OCOP.
Ông Trương Thanh Nhã - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (bên phải) trao mã vạch QR cho vườn táo sạch trồng trong nhà lưới của anh Phạm Thanh Phương (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi).
Định hướng phát triển
Với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháp cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi); nhà Công tử Bạc Liêu, điện gió, Vườn chim Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu); Nhà thờ Tắc Sậy, Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai); Khu căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân)…, trong đó có nhiều điểm được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, vì vậy, Bạc Liêu có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc dựng các điểm du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm OCOP. Trên thực tế, việc đưa Chương trình OCOP vào phát triển du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi chưa có sự gắn kết giữa các điểm du lịch với sản phẩm OCOP. Được biết, hiện toàn tỉnh chỉ có 1 sản phẩm du lịch cộng đồng là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được công nhận là sản phẩm OCOP.
Sản phẩm du lịch cộng đồng Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Bạc Liêu là một trong những tỉnh khu vực ĐBSCL đặc biệt quan tâm đến Chương trình OCOP. Các huyện, thị, thành phố cần hỗ trợ để các chủ thể có đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Trong đó, xây dựng các sản phẩm OCOP quan tâm gắn với các điểm du lịch tại địa phương, từng bước xây dựng các điểm du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP. Đồng thời gắn kết sản phẩm du lịch OCOP với sản phẩm OCOP hàng hóa tại các địa phương, nhằm đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững trong thời gian tới…”.
Tháp cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ
Thực hiện Chương trình OCOP, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng; phát triển thêm 22 sản phẩm được chứng nhận từ 3 sao trở lên, phấn đấu có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, hướng dẫn các chủ thể trong việc sử dụng, in logo và thứ hạng sao trên sản phẩm OCOP. Kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ thiết kế bao bì, logo sản phẩm (hỗ trợ 50% nhưng không quá 30 triệu đồng); hỗ trợ máy móc, trang thiết bị (hỗ trợ 50% nhưng không quá 150 triệu đồng); hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu (hỗ trợ 50% nhưng không quá 35 triệu đồng)… cho các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận; xây dựng 1 - 2 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và các cuộc hội thảo kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh. Xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu 1 - 2 sản phẩm OCOP.
Minh Châu