Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được triển khai sâu rộng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng được nhiều sản phẩm thế mạnh, không chỉ tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong tỉnh mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu. Thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ, sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu đã trở nên quen thuộc, ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng.
Quang cảnh Hội đồng tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024.
Hỗ trợ đầu tư, nâng cao chất lượng
Nhằm góp phần giúp các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, thời gian qua, Sở NN&PTNT mà trực tiếp là Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch hỗ trợ, đầu tư máy móc, trang thiết bị cho một số chủ thể OCOP. Cụ thể như: hỗ trợ máy sấy tôm khô, khô cá kèo cho cơ sở Nguyễn Thị Hải Liên, cơ sở Kiều Hạnh; hỗ trợ đầu tư máy đóng gói tự động cho Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu; hỗ trợ máy xay xát lúa mini cho Hợp tác xã (HTX) Ba Đình và HTX Quyết Tiến...
Bên cạnh đó, Chi cục còn hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện bao bì, nhãn mác, mã QR code truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP như khô cá kèo (cơ sở Kiều Hạnh), tôm khô (cơ sở Nguyễn Thị Hải Liên và cơ sở Đa Giàu), rượu vang Vallentina (cơ sở Lâm Vũ), bánh phồng tôm (cơ sở Ý Tám), chả cá thát lát (cơ sở 7 Lãnh)...
Trên cơ sở kết quả xếp hạng sản phẩm OCOP, chủ thể OCOP còn được các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện xem xét hỗ trợ một số nội dung theo chương trình khuyến công, khuyến nông như: hỗ trợ đăng ký chứng nhận VietGAP cho sản phẩm; hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất sản phẩm; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ về khuyến công, khuyến nông; hỗ trợ xây dựng hồ sơ tham gia OCOP...
Việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm OCOP đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước phát triển công nghiệp nông thôn. Mặt khác, còn giúp người lao động nâng cao tay nghề, tiếp cận được với những máy móc thiết bị tiên tiến, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn hơn trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện sức lao động, tạo việc làm ổn định và ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Các thành viên Hội đồng OCOP tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
MỞ RỘNG SẢN XUẤT, THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ
Tham gia Chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, kết nối giao thương..., qua đó, sản phẩm OCOP Bạc Liêu đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Ninh Bình, Tây Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội... Một số sản phẩm còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc và các nước châu Âu như sản phẩm muối tinh, muối hạt của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu; các sản phẩm tôm đông lạnh của Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt.
Cùng với phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, năng lực sản xuất của các chủ thể cũng tăng đáng kể. Hiện tại, năng lực sản xuất của một số chủ thể OCOP tăng từ 20 - 30% so với trước khi tham gia Chương trình OCOP (như cơ sở Ý Tám, cơ sở Đa Giàu, cơ sở Phương Nguyệt, Công ty TNHH MTV Cường Mận, HTX Thành Công 1, HTX dịch vụ nông nghiệp và tưới tiêu Quyết Tiến, HTX 8/3…). Đặc biệt, năng lực sản xuất của một số chủ thể OCOP tăng trên 50% như cơ sở Hùng Mạnh, cơ sở Thanh Thủy PP, HTX nuôi tôm công nghệ cao Thành Đạt, Công ty Cổ phần Vũ Võ Bạc Liêu...
Các chủ thể ngày càng quan tâm hơn đến công tác quản lý chất lượng, mạnh dạn đưa nhiều sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Cụ thể như Cơ sở Nông sản Việt, Cơ sở Yến sào Ngọc Minh, hộ kinh doanh chả lụa Sơn Hà… ngày càng phát triển năng lực sản xuất, thị trường tiêu thụ, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, hoàn thiện quy trình sản xuất và được Trung tâm Chất lượng thủy sản vùng 5 cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến “HACCP”. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu có 2 sản phẩm muối hạt và muối tinh đang được tỉnh trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Các sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Ảnh: M.Đ
Là một trong số những cơ sở có nhiều sản phẩm OCOP, bà Tạ Tuyết Thu - chủ Cơ sở Nông sản Việt, cho biết: “Cơ sở hiện có 15 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt hạng OCOP 3 - 4 sao. Trong đó, 13 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao. Cơ sở Nông sản Việt đã mạnh dạn phát triển thêm nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, ngày càng nâng cao chất lượng các sản phẩm, hướng đến liên kết với các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. Liên kết với các tỉnh, thành tiêu thụ các sản phẩm OCOP Bạc Liêu để quảng bá và đưa sản phẩm OCOP của Nông sản Việt đến với người tiêu dùng các tỉnh, thành trong và ngoài nước”.
“Việc hỗ trợ các trang thiết bị cho các chủ thể OCOP mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm là hết sức cần thiết vì mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Qua đó góp phần mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…”, ông Đặng Minh Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết.
Minh Đạt
- Huyện Hồng Dân: Hỗ trợ xây dựng 230 căn nhà cho hộ nghèo
- Sở LĐ-TB&XH: Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề và việc làm cho lao động nông thôn
- 11 đảng bộ cơ sở được chọn đại hội điểm nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Đảng ủy Quân sự huyện Phước Long: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025
- Quốc hội thảo luận Dự án Luật Nhà giáo và chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam