Xây dựng nền kinh tế nông nghiệp từ ứng dụng công nghệ cao

Thứ Hai, 12/12/2022 | 15:18

Thực tiễn đã chứng minh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã tạo ra những đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Điều đó lại càng quan trọng hơn trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp với mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị, sức cạnh tranh, sản xuất theo nhu cầu thị trường và ứng dụng CNC chính là lực lượng tiên phong để hoàn thành mục tiêu này.

Vùng sản xuất rau sạch tưới phun tự động ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.T

ƯU TIÊN ỨNG DỤNG CNC

Với một tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp được xác định là “trụ cột” của nền kinh tế, thì việc xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa đa dạng, phát triển nhanh, bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trở thành mục tiêu và nhu cầu tất yếu. Muốn làm được điều này, cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhất thiết phải khuyến khích nông dân, doanh nghiệp thay đổi tập quán canh tác cũ bằng việc ưu tiên ứng dụng CNC vào sản xuất.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có chuyển biến tích cực về ứng dụng CNC trong một số lĩnh vực và tạo ra những tiến bộ đáng khích lệ về năng suất, chất lượng; đồng thời cũng tạo ra điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC.

Máy bay phun thuốc trừ sâu “3 trong 1” ở huyện Hòa Bình.

Không chỉ có con tôm, mà các vùng chuyên lúa cũng đã mạnh dạn chuyển đổi các hình thức canh tác truyền thống sang các mô hình sản xuất ứng dụng CNC theo hướng sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch. Đơn cử như huyện Vĩnh Lợi, trong những năm gần đây, địa phương này đã ưu tiên đầu tư cho phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị và đáp ứng được nhu cầu thị trường. Cụ thể, ngoài phát triển mô hình trồng lúa đặc sản Tài nguyên, huyện Vĩnh Lợi còn phát triển vùng sản xuất rau sạch trồng trong nhà lưới, tưới phun tự động, sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học và hướng đến xây dựng vùng chuyên canh rau màu chất lượng cao thay cho những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả…

Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn nhiều lúng túng, bất cập và thiếu tính thực tiễn, dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả, lãng phí và không bền vững. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những hạn chế về nhận thức, khả năng xác định những yếu tố CNC phù hợp với một nền nông nghiệp sản xuất còn mang nặng tính nhỏ lẻ, tự phát và hạn chế về năng lực đầu tư tài chính…

Mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa ở huyện Phước Long. Ảnh: K.T

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC

Một giải pháp quan trọng trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp là cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất, Bạc Liêu cần mở rộng quy mô, diện tích ứng dụng công nghệ sinh học, nhằm tạo sản phẩm an toàn theo hướng hữu cơ phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, đặc biệt là ban hành các chính sách thu hút nhân tài, các chuyên gia, sinh viên ngành Nông nghiệp. Phối hợp với các nhà khoa học, các viện, trường, các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội thảo khoa học về công nghệ sinh học tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và phù hợp với xu hướng tất yếu của thị trường, nhằm tạo nên những tiền đề vững chắc cho một nền kinh tế nông nghiệp chủ động phát triển và hội nhập trong tương lai.

Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, tỉnh cần tiếp tục ưu tiên đầu tư vốn cho ứng dụng CNC gắn với thực hiện các đề án chiến lược của tỉnh như: Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A, định hướng đến năm 2025; xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; ứng dụng khoa học - công nghệ, hoàn thiện quy trình ương giống tôm sú gia hóa đạt cỡ lớn (postlarvae 25) phục vụ nhu cầu nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp; xây dựng mô hình Artermia - muối chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu; phát triển mô hình nuôi quảng canh cải tiến kết hợp theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hướng theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VietGAP, ASC...) gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình tôm sú - lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Song, việc đầu tư ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ tính đặc thù của sản xuất nông nghiệp vốn  phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ngoại cảnh; CNC được ứng dụng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng. Để ứng dụng CNC một cách có hiệu quả, cần đầu tư cải thiện đồng bộ các yếu tố công nghệ trong suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tổ chức sản xuất, tiếp thị có quy mô tương xứng, tránh tình trạng đầu tư kiểu “đầu voi đuôi chuột”, hình thức, lãng phí và không phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình sản xuất kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Mục tiêu của kinh tế tập thể, HTX là đóng góp tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh quy hoạch phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, sản xuất hữu cơ; phát triển sản phẩm OCOP. Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn. Mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhanh, góp phần tránh ùn ứ khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá các mặt hàng nông - thủy sản, tránh bị thương lái ép giá. Hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ, đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp tới người tiêu dùng, thông qua sàn thương mại điện tử…

KIM TRUNG

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải được xem là động lực mới

Để nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp, cần thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp và xem đây là động lực mới để thay đổi nền nông nghiệp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại và người nông dân văn minh, làm chủ khoa học - kỹ thuật. CĐS nông nghiệp, nông thôn phải tạo ra sự kết nối giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - hợp tác xã và người nông dân nhằm liên kết, tích hợp nâng cao giá trị nông sản, giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. CĐS nông nghiệp, nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

Để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp thì phải có vùng sản xuất nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, có mã số vùng trồng, vùng nuôi để quản lý, truy xuất nguồn gốc và chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào nhiệm vụ và giải pháp như: Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân hiểu rõ trong thời kỳ hội nhập, họ phải là nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Tập trung đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng từ bỏ mô hình “nông nghiệp gia công” sang sản xuất theo đơn đặt hàng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và công nghệ chế biến nông sản tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà máy, hợp tác xã vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ đầu tư phát triển những sản phẩm, ngành hàng mang tính đặc thù, truyền thống của địa phương để phát triển mô hình kinh tế nông thôn của tỉnh.

Tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, tôm sạch... mang thương hiệu Bạc Liêu; đẩy mạnh công tác cấp mã vùng trồng, vùng nuôi cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ phát triển các ngành hàng ở nông thôn như: khuyến nông, khuyến công, chương trình OCOP, chương trình khoa học - công nghệ...

Ông Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu: Công nghệ cao chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp

Để xác định và thống nhất việc phát triển ứng dụng CNC trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp cho một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện cụ thể của tỉnh nhà thì cần có những giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, cần xác định thế nào là CNC trong nông nghiệp? Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ Nano được coi là các lĩnh vực CNC được Đảng và Nhà nước ta xác định ưu tiên phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đây là các lĩnh vực công nghệ có hàm lượng chất xám cao, có thể tạo ra những đột phá trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật khác và sự bùng nổ về khoa học - công nghệ nói chung, phục vụ đời sống con người nói riêng.

Thứ hai, một quy trình sản xuất có thể mang trong nó nhiều yếu tố CNC ở từng công đoạn, nhưng chưa thể là quy trình CNC nếu chưa đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng. Điều này có thể thấy rõ trong các quy trình sản xuất khá phổ biến hiện nay trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta. Các yếu tố CNC có thể là giống mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, công nghệ nhà kín, kỹ thuật tưới tiêu mới, phân bón sinh học hữu cơ cho hiệu quả cao, biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới hiệu quả cao và an toàn, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch hiện đại.                  

Thứ ba, cần khẳng định CNC là công nghệ cho ra các sản phẩm có chất lượng cao với quy mô sản xuất lớn và hiệu quả kinh tế cao. Chất lượng theo nghĩa rộng là một chỉ tiêu phức hợp và được đánh giá theo suốt chuỗi cung ứng. Ví dụ, giá trị của một mặt hàng hóa thường được gia tăng đáng kể nhờ cách mà nó được tiếp thị, cách đóng gói, bao bì, phong cách, kiểu dáng trình bày và sự thuận tiện trong phương thức đặt hàng, giao hàng... Chất lượng bao gồm: chất lượng kỹ thuật, chất lượng chức năng, chất lượng dịch vụ. Sự đồng bộ về trình độ công nghệ trong mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của mỗi yếu tố công nghệ và của toàn bộ quy trình công nghệ. (Trong nhiều ngành hàng nông sản của tỉnh ta còn thiếu vắng tính đồng bộ này. Vì vậy, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh).

Thứ tư, CNC chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp, đầu tư ứng dụng CNC đòi hỏi nhiều vốn và quy mô sản xuất tương ứng, trình độ sản xuất tương ứng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Bạc Liêu hiện nay còn trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún và tự phát của nông dân, rất khó có thể phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp CNC với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như vậy. Vì vậy, tỉnh đã và đang khuyến khích, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các trang trại, gia trại và thành lập các khu nông nghiệp CNC có quy mô sản xuất hàng hóa lớn ở quy mô công nghiệp. Với quy mô nông hộ như hiện nay, để tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp có tính công nghiệp CNC thì cần có định hướng tổ chức phát triển sản xuất, tiếp thị, liên kết dưới các hình thức hợp tác xã kiểu mới hoặc công ty liên doanh… để có quy mô tài chính và điều kiện sản xuất đủ lớn cho đầu tư CNC. Như vậy, trình độ quản lý cũng cần được nâng cao và được coi là yếu tố công nghệ…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.