Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững

Thứ Sáu, 01/10/2021 | 16:12

Đối với Bạc Liêu, ngành Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy thế mạnh này, ngành Nông nghiệp tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, từng bước hình thành, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát).

TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Xác định được tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết 03 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu theo hướng phát triển bền vững. Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Cơ cấu cây trồng - vật nuôi chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng sinh thái, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và mang lại hiệu quả khả quan. Nếu như năm 2015, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp là 12.688 tỷ đồng, đến nay tăng lên 19.139 tỷ đồng.

Trong đó, thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, gần 21% trong cơ cấu của tỉnh. Trong các năm qua, lĩnh vực này có bước phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, nhất là sản xuất tôm. Tỉnh đã quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm, xây dựng khu nuôi tôm an toàn sinh học theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, hoàn thành các điều kiện, thủ tục để xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc... Song song đó, từng bước phát triển chuỗi giá trị của ngành tôm: từ tôm bố mẹ, tôm giống, tôm thương phẩm đến chế biến tôm xuất khẩu. Đồng thời, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp phát triển chuyên về nuôi tôm công nghệ cao. Mặt khác, đa dạng các đối tượng nuôi trên cùng diện tích, phát triển mô hình tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A, mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng và bảo vệ rừng, nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu con tôm Bạc Liêu. Lĩnh vực khai thác thủy sản được quan tâm; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2020 đạt 400.000 tấn, tăng bình quân 6,03%/năm so với giai đoạn 2011 - 2015. 

Về sản xuất lúa, phát triển các mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng lúa hàng năm. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với bao tiêu, xuất khẩu lúa gạo, tỷ lệ bao tiêu chiếm gần 20% so với tổng sản lượng lúa. Xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn theo quy trình hữu cơ, đáp ứng trên hệ thống canh tác lúa - tôm; xây dựng thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch”.

Về diêm nghiệp, tái cơ cấu, chuyển đổi nhiều diện tích muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nuôi Artemia; sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt và phát triển nhiều sản phẩm chế biến từ muối, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở huyện Vĩnh Lợi.

PHÁT TRIỀN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Hiện nay, toàn tỉnh có 30 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và gần 500 hộ với hơn 2.250ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Về sản xuất lúa, các địa phương đã xây dựng được 38 cánh đồng lớn với hơn 27.800ha và liên kết sản xuất, tiêu thụ được 76.000ha...

Để quy hoạch, hình thành và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã có Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà kín của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu.

Về sản xuất các sản phẩm lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm cụ thể như: Giống cây trồng - vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội. Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao như lúa Một bụi đỏ, Tài nguyên, ST24, ST25; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng sản xuất luân canh lúa - tôm tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A. Vùng sản xuất rau màu, vùng trồng Thanh nhãn Bạc Liêu, vùng nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, vùng nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng, vùng sản xuất muối chất lượng cao… Từ đó, góp phần nâng tầm giúp các sản phẩm nông - lâm - thủy sản có giá trị kinh tế cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế (Viet GAP, GlobalGAp).

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng - vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi, ô đê bao, trạm bơm, điện, giao thông… thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.