Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ: Nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 - 2030, với mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với những sản phẩm NNHC được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn NNHC của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất NNHC ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa ST24 trên đất nuôi tôm.
BẠC LIÊU CHƯA CÓ SẢN PHẨM CHỨNG NHẬN NNHC
Trên thực tế, phát triển NNHC đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao. Bởi sản xuất NNHC phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái”.
Thực tiễn cho thấy, NNHC đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và đặc biệt là môi trường. Tuy nhiên, phát triển sản xuất NNHC trên phạm vi cả nước và ở tỉnh Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh làm đòn bẩy phát triển; Hệ thống cấp chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát chưa hoàn chỉnh; Quỹ đất để sản xuất hữu cơ không có sẵn nhiều, do canh tác truyền thống khá lâu năm nên cần phải có thời gian để cải tạo; Quy mô sản xuất phổ biến là nhỏ, manh mún, hộ gia đình, lại ít có sự hợp tác, nên để thiết kế khu vực và chứng nhận sản xuất NNHC khó khăn, tốn kém; Chi phí đầu tư cao, giá thành sản phẩm cao và không ổn định…
Đối với Bạc Liêu, mô hình NNHC được UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp quan tâm phát triển từ những năm 2010 mà tiêu biểu là mô hình tôm - lúa hữu cơ và mô hình tôm - rừng. Thế nhưng, sau 10 năm triển khai, Bạc Liêu vẫn chưa có sản phẩm nào được chứng nhận là sản phẩm NNHC. Do vậy, việc xây dựng Đề án phát triển NNCH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ là nhu cầu cần thiết và cấp bách, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
…………….............................................................................................................................................................................................................
Thống kê của FiBL (Viện Nghiên cứu NNHC) và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, hiện có hơn 71 triệu héc-ta canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất NNHC rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm NNHC.
…………………………………………......................................................................................................................................................................
Mô hình trồng rau cần nước ứng dụng hữu cơ ở huyện Phước Long.
GIÀU THẾ MẠNH CHO PHÁT TRIỂN NNHC
Từ năm 2010, Bạc Liêu đã hình thành nên những tiền đề quan trọng cho phát triển NNHC. Đó là việc ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và ưu tiên lựa chọn những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất cấm, chất kích thích tăng trưởng, các loại phân bón vô cơ, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chuyển sang sử dụng các sản phẩm sạch. Cụ thể, đối với nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp khuyến khích sử dụng men vi sinh để quản lý môi trường, sử dụng con giống sạch bệnh, thả nuôi mật độ phù hợp và thả xen ghép các đối tượng cá để xử lý nước. Hay đối với cây lúa thì khuyến khích sử dụng các giống lúa cấp xác nhận có chất lượng gạo tốt, năng suất cao để canh tác và sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh gây hại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường và an toàn cho người tiêu dùng…
Đặc biệt năm 2020, thực hiện Đề án phát triển NNHC của Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện ở 2 nhóm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Thứ nhất là mô hình nuôi tôm sú kết hợp cua, cá (Dự án WB9) với quy mô 80ha được triển khai tại các xã: Định Thành, An Trạch, An Trạch A và xã An Phúc (huyện Đông Hải). Theo ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Mô hình này cho năng suất tôm nuôi đạt từ 300 - 350kg/ha, cua 150 - 180kg/ha, cá 200kg/ha. Với mỗi héc-ta thủy sản nuôi theo hướng hữu cơ, lợi nhuận thu được trung bình trên 80 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 25 - 30 triệu đồng; và quan trọng hơn cả là môi trường nuôi được đảm bảo, hạn chế được rủi ro do dịch bệnh”.
Thứ hai là mô hình phát triển giống lúa ST24, ST25 trên vùng đất tôm - lúa và vùng sản xuất 2 vụ lúa tỉnh Bạc Liêu với quy mô 3.560ha được thực hiện tại huyện Hồng Dân (1.570ha tôm - lúa, 15ha chuyên lúa), huyện Phước Long (1.557,59ha tôm - lúa, 15ha chuyên lúa), TX. Giá Rai (372,41ha tôm - lúa, 10ha chuyên lúa), Hòa Bình (10ha chuyên lúa) và huyện Vĩnh Lợi (10ha chuyên lúa). Mô hình này cho năng suất lúa bình quân vùng sản xuất chuyên lúa đạt 4,49 tấn/ha, nông dân thu lãi trên 13 triệu đồng/ha; năng suất lúa vùng sản xuất tôm - lúa đạt từ 5 - 6 tấn/ha, lãi trên 25 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất đại trà 4,7 triệu đồng/ha).
Ông Võ Văn Thum - Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) cho biết: “Với mô hình tôm - lúa được sản xuất theo quy trình sạch đã giúp nông dân đạt lợi nhuận cao, đặc biệt với giống lúa ST24 và ST25 bán được giá cao, sản phẩm được bao tiêu nên nông dân rất phấn khởi và mô hình này sẽ được chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới”.
Nông dân tham quan quy trình sản xuất tôm sạch ở huyện Hồng Dân.
MỞ LỐI CHO NNHC
Từ những mô hình trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng NNHC đã và đang được phát triển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để nhân rộng và tạo ra tính lan tỏa giúp cho mô hình NNHC ngày càng phát triển không chỉ trên con tôm, cây lúa mà còn ở nhiều mô hình khác như: sản xuất rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… thì cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác. Một trong những giải pháp cần được ưu tiên - đó là công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho từng tiểu vùng sản xuất. Bởi không có quy hoạch sẽ khó hoạch định và hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo mô hình NNHC, cũng như sẽ khó thu hút được các dự án đầu tư trong, ngoài nước vào liên kết hợp tác với nông dân.
Bên cạnh đó, phải làm thay đổi căn bản nhận thức, tập quán canh tác của người nông dân về nông nghiệp sạch, xem sản xuất NNHC là việc làm tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm sạch và đảm bảo về thị trường tiêu thụ, hướng đến phát triển bền vững. Không vì lợi nhuận trước mắt mà chấp nhận đánh đổi môi trường, xem việc bảo vệ môi trường sản xuất là trách nhiệm, nghĩa vụ và vì sự phát triển bền vững cho tương lai. Đồng thời, hướng nông dân vào sản xuất tập trung thông qua các mô hình hợp tác, hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và không tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Đây chính là nhu cầu không thể thiếu để xây dựng hàng hóa NNHC có thương hiệu, mang tính tập thể và được chứng nhận địa lý - vốn là yêu cầu bắt buộc trong xuất khẩu hàng hóa hiện nay. Một vấn đề quan trọng khác, để phát triển NNHC, tỉnh cần ban hành các chính sách đặc thù trong ưu đãi về thu hút đầu tư, các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân tiếp cận vốn. Cùng với đó là tăng cường đầu tư, chuyển giao về khoa học - công nghệ tiên tiến cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm và giúp nông dân xây dựng thương hiệu…
Tóm lại, với xu thế hội nhập và cạnh tranh về thị trường tiêu thụ gay gắt như hiện nay, phát triển NNHC là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Không chỉ thế, với sự tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan thì bảo vệ môi trường sinh thái cũng trở thành vấn đề mang tính toàn cầu mà sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, thân thiện với môi trường là yêu cầu không thể thiếu.
KIM TRUNG
...............................................................................................................................................................................................................................
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT:
Thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đề án phát triển NNHC trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông… các tiểu vùng sản xuất theo hướng ô đê bao khép kín, ưu tiên các khu vực đê bao vừa và nhỏ, kết hợp duy tu, nâng cấp hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện, nạo vét các kênh mương nội đồng để đảm bảo cấp, thoát nước và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt, kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…; thiết lập cơ chế quản lý tài nguyên nước dựa trên cộng đồng để sản xuất bền vững.
Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ cơ sở sản xuất - kinh doanh giống, các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đảm bảo cung cấp và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp tục hỗ trợ phục tráng giống lúa mùa địa phương (Một bụi đỏ Hồng Dân), giống lúa mới BLR413. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn, mặn, có tính kháng sâu bệnh tốt như: ST24, ST25 tại địa phương, nhằm sản xuất theo hướng hữu cơ.
Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, triển khai nuôi tôm thông minh thông qua an toàn sinh học và công nghệ số, đưa trung tâm công nghiệp ngành tôm phát triển bền vững.
Hỗ trợ thành lập, củng cố, nâng cấp các hợp tác xã (HTX) để có đủ năng lực tổ chức quản lý sản xuất bền vững, hiệu quả; nâng cao năng lực tài chính của các tổ hợp tác, HTX thông qua việc tham mưu chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương theo quy định; đẩy mạnh phát triển NNHC và có chiến lược thu hút các doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
Ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ như: đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, kể cả cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới. Hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, phát huy vai trò nông dân nòng cốt nhưng không chỉ dừng lại ở kỹ năng, kỹ thuật sản xuất mà cần mở rộng ra các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, các cuộc hội thảo để nông dân có cơ hội trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm với nhau, cùng với các nhà khoa học giải đáp và bổ sung thêm kiến thức sản xuất an toàn, hữu cơ cho họ.
Hỗ trợ tư vấn, thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị sản xuất (nhất là chuỗi giá trị tôm sạch - lúa an toàn) thông qua việc cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân hợp tác phát triển một cách hiệu quả, bền vững. Ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện và hướng dẫn nông dân áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ.
Tham mưu với UBND tỉnh định hướng phát triển NNHC sao cho bền vững, chất lượng và đạt hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, có chính sách đầu tư quản lý, quy hoạch phát triển vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế; có các chính sách hỗ trợ thử nghiệm, thực nghiệm các mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn, hữu cơ và các sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, góp phần phát triển bền vững hệ thống canh tác nông nghiệp tại Bạc Liêu.
L.D (lược ghi)
- Rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính sau sắp xếp có di tích quốc gia đặc biệt
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Hồng Dân
- Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc hơn 300 cử tri TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng hóa Việt Nam: Dự báo tôm xuất khẩu sẽ gặp khó
- Rầm rộ khuyến mại dịp 30/4