Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn và phát triển bền vững
Xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn và phát triển bền vững là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Do vậy, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch cần được nhân rộng và khuyến khích nông dân thực hiện.
Cán bộ Phòng NN&PTNT TX. Giá Rai trao đổi với nông dân về mô hình lúa ST24 trên đất nuôi tôm. Ảnh: M.Đ
MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP SẠCH
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã có nhiều mô được đánh giá là phát triển bền vững, như mô hình lúa - tôm; mô hình cánh đồng lớn áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, chương trình IPM; mô hình ruộng lúa bờ hoa nhằm hướng đến sản xuất lúa an toàn.
Điển hình là mô hình sản xuất lúa (trong mô hình lúa - tôm) bằng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học, cho ra hạt gạo sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có gần 40.000ha áp dụng mô hình này, nông dân sản xuất thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/ha trở lên. Đặc biệt, nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng con tôm, hạt lúa được nâng lên. Mô hình được các nhà khoa học và ngành chức năng đánh giá là thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Từ đó, tỉnh đầu tư các công trình và khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất mô hình lúa thơm - tôm sạch.
Đánh giá về mô hình tôm - lúa, ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, khẳng định: Đây là mô hình sản xuất thông minh, tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình VietGAP… Từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm con tôm, hạt lúa, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình lúa hữu cơ với diện tích khoảng 300ha, tập trung ở các huyện Phước Long, Hòa Bình và Vĩnh Lợi. Trước áp lực giá phân bón hóa học ngày càng tăng cao, mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng sử dụng phân hữu cơ đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt lúa. Bước đầu mô hình được đánh giá là mang lại hiệu quả khá cao.
Ngoài các mô hình lúa - tôm, lúa hữu cơ, Bạc Liêu còn có các mô hình tôm - rừng, tôm quảng canh cải tiến không sử dụng kháng sinh, hóa chất, sản phẩm làm ra có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nông dân thu hoạch tôm sú sạch. Ảnh: M.Đ
LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ
Trong sản xuất nông nghiệp, khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm là vấn đề được người nông dân quan tâm nhiều. Gần đây, ngành chức năng và các địa phương đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, như thành lập các hợp tác xã (HTX), xây dựng các cánh đồng lớn sản xuất lúa - tôm… Việc thành lập các HTX để liên kết nông dân cùng sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ các HTX, tỉnh đã tiến tới thành lập Hiệp hội tôm công nghệ cao, Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch…
Mới đây, tỉnh đã thành lập Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch Bạc Liêu, có 21 HTX thành viên tham gia, với diện tích 4.000ha. Đây là Liên hiệp HTX trên lĩnh vực nông nghiệp đầu tiên của tỉnh. Mục tiêu hoạt động của Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch Bạc Liêu là tập trung gắn kết các HTX có cùng ngành nghề sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khi tham gia vào Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch, các HTX sẽ được tạo điều kiện tham gia các chuỗi giá trị sản xuất phát triển bền vững, mở ra điều kiện mới, sức mạnh mới trong quan hệ với các đối tác trên thị trường trong thời kỳ hội nhập. Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch Bạc Liêu được thành lập, nhằm phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể; từng bước xây dựng ổn định vùng nguyên liệu sản xuất lúa thơm - tôm sạch đạt chất lượng cao. Tạo ra lượng nông sản lớn đủ khả năng cung ứng thị trường phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm sạch cho con tôm, hạt lúa Bạc Liêu.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Tỉnh đang hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế đến mức tối thiểu gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Do vậy, tới đây ngành Nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường...”.
MINH ĐẠT
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác
- Hơn 90 cán bộ Đoàn, Hội được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ năm 2025
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đông Hải
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao ban công tác quý 1/2025
- Mở 3 lớp tập huấn cho cán bộ Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh