Xây dựng nông thôn Bạc Liêu trở thành nơi đáng sống

Thứ Sáu, 16/06/2023 | 14:45

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định “Phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Đồng thời, tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu để từng bước đưa nông thôn trở thành những làng quê đáng sống.

Đoàn cán bộ tỉnh thẩm định, xét công nhận xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bạc Liêu chọn con tôm và cây lúa là 2 đối tượng chủ lực. Theo đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các vùng sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Đến nay, tỉnh đã hình thành 5 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 3.900ha; có tổng số 25 công ty, đơn vị và 832 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh và 2 giai đoạn. Các mô hình nuôi này cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường. Hình thức nuôi là ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước nuôi tôm trong nhà kín; ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, thu thập dữ liệu từ các ao, hồ nuôi tôm qua các thiết bị di động...

Đối với sản xuất lúa, tỉnh cũng đã hình thành và phát triển vùng nguyên liệu lúa hàng hóa gắn với liên kết sản xuất tập trung. Các giống lúa được bao tiêu chủ lực là giống lúa chất lượng cao. Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: Chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, “tưới tiết kiệm nước”, xuống giống né rầy, mô hình công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng), Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… hướng đến sản xuất theo hình thức tuần hoàn, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm; sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, ASC... Song song đó, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu.

Đặc biệt trong xây dựng NTM, nhờ có sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân, đến nay huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống điện, trường học, trạm y tế, văn hóa được đầu tư đồng bộ, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp, tình hình an ninh trật tự ổn định, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tham quan sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh.

TẬP TRUNG XÂY DỰNG NTM

Để phấn đấu đạt các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng NTM, Bạc Liêu đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó nhằm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân, tạo ra những sản phẩm cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Các địa phương quy hoạch, xác định vùng sản xuất phù hợp, mang tính đặc thù, từ đó chọn lựa công nghệ mới, nhằm tăng năng suất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và trang trại; xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động có chất lượng. Phát triển mô hình liên kết sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP.

Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để thu hút doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, hoạt động nghiên cứu, trình diễn ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng huy động thêm các nguồn lực khác, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và người sản xuất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo cán bộ kỹ thuật địa phương nhằm nâng cao nhận thức trong tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật và trong liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Thực hiện tốt các chủ trương chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp trên các lĩnh vực, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản Bạc Liêu. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu, sản phẩm OCOP…

Huyện Phước Long phấn đấu xây dựng các xã thành những làng quê đáng sống. Ảnh: M.Đ

Liên kết hợp tác, tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn làm nền tảng thực hiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực và thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM. Đặc biệt là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu (giai đoạn 2021 - 2025) theo Bộ tiêu chí mới, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Nông dân tiếp tục đóng vai trò làm chủ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, góp phần đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.