Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Xây dựng thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu từ các giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, ít sâu bệnh, chống chịu yếu tố bất lợi của thời tiết, phù hợp điều kiện sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả sản xuất cho nông dân trong tỉnh.
Nông dân huyện Hòa Bình tham gia chọn lọc, lai tạo các giống lúa Bạc Liêu.
CHỌN TẠO LÚA GIỐNG MỚI
Những năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã tập trung nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo các giống lúa mới theo hướng nâng cao phẩm chất, thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất. Mục tiêu hướng đến là nghiên cứu, chọn giống chịu mặn cho vùng tôm - lúa; chọn giống có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, thời gian sinh trưởng ngắn cho vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm; chọn giống lúa thơm ngon, gạo dẻo cho vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm làm thương hiệu cho gạo Bạc Liêu. Riêng các giống lúa mùa địa phương có những đặc tính tốt như Một bụi đỏ, Tài nguyên thì lai tạo với các giống lúa ngắn ngày đã thích nghi với sinh thái, thổ nhưỡng của tỉnh để tìm chọn ra giống lai có các đặc tính mong muốn.
Hiện tỉnh đã chọn tạo được 2 giống lúa: BLR103, BLR105 chịu mặn khá cao. Hai giống này có nguồn gốc từ tổ hợp lai Một bụi đỏ/OM263 của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thích nghi với vùng tôm - lúa của tỉnh. Đồng thời, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cũng đã cho trồng khảo nghiệm tại 3 vùng tôm - lúa ở TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân trong 2 vụ của 2 năm liên tục. Kết quả cho thấy, hai giống này thích nghi cao với vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh; có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, thấp cây, thân cứng; có hàm lượng amylose trung bình 23% và hàm lượng protein cao 8,25 - 8,3%, cơm mềm, có vị ngọt đặc trưng của giống Một bụi đỏ. Đặc biệt là ít nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, bệnh đạo ôn. Khả năng chịu mặn ở giai đoạn trỗ chính của giống BLR103 là 4‰, BLR105 là 5‰, rất phù hợp cho vùng tôm - lúa của tỉnh. Đồng thời, hai giống lúa này còn chịu được hạn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chọn tạo 2 giống BLR203, BLR312 có năng suất cao; 2 giống BLR413, BLR404 có phẩm chất tốt; đồng thời gửi khảo nghiệm quốc gia 3 giống: BLR103, BLR105, BLR413. Hiện các giống này được tỉnh khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất và nhân rộng.
Nông dân tham gia đánh giá các giống lúa trình diễn tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Ảnh: M.Đ
TRÌNH DIỄN THÍ ĐIỂM VÀ NHÂN RỘNG
Sau khi hoàn thành quá trình chọn tạo, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã tổ chức sản xuất trình diễn đối với 2 giống BLR103 và BLR105 trên vùng đất tôm - lúa của tỉnh. Trong đó, điển hình là hộ ông Lê Phước Tồn (ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) thực hiện trên diện tích 2ha. Qua đánh giá, các giống lúa chịu được mặn, sinh trưởng tốt, cho năng suất cao (7tấn/ha), rạ phân hủy rất nhanh, thuận lợi cho việc cải tạo vuông để nuôi tôm. Hay hộ ông Nguyễn Văn Ở (ấp Bình Thạnh, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) cũng tham gia sản xuất trình diễn 2ha với 2 giống lúa nói trên, năng suất đạt 7 tấn/ha…
Qua sản xuất trình diễn ở các điểm, ngành chức năng đánh giá giống BLR103, BLR105 có thời gian sản xuất ngắn (95 ngày), khả năng chịu mặn khá, kiểu hình thấp, dạng hình đẹp, cứng cây, năng suất 6 - 7 tấn/ha, ít nhiễm sâu bệnh, có phẩm chất gạo khá, thích hợp cho vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh. Riêng giống BLR413 rất phù hợp cho vùng sản xuất 3 vụ lúa; thời gian sản xuất 95 ngày, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, có tiềm năng cho năng suất khá, đặc biệt phẩm chất gạo thơm, ngon, dẻo, phù hợp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ông Dương Văn Ngô, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết: “Hiện Trung tâm đã triển khai trồng thử nghiệm 3 giống BLR103, BLR105 và BLR413 trên các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để đánh giá thêm tính thích nghi, làm cơ sở cho việc công nhận giống quốc gia. Đồng thời, đề nghị Sở NN&PTNT tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm đưa giống BLR413 thành giống mang thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương khuyến cáo nông dân sản xuất các giống lúa chịu mặn vùng lúa - tôm, vùng thường xuyên ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn”.
MINH ĐẠT
- Huyện Hồng Dân: Nâng cao trách nhiệm của các đại biểu HĐND trước cử tri
- Đại hội thành lập Hội Doanh nghiệp huyện Đông Hải lần thứ I
- Sẽ tổ chức Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Bạc Liêu vào năm 2025
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”