Am hiểu pháp luật mà phạm luật
Phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Tạ Yến Oanh thu hút rất nhiều người dự khán, hầu hết là những người công tác trong lĩnh vực pháp luật, những người đang hành nghề luật tại Bạc Liêu. Bên cạnh câu chuyện lừa đảo của bị cáo Oanh, nhiều người còn quan tâm đến vụ án này ở một khía cạnh khác, bởi bị cáo là một người đã tốt nghiệp đại học Luật, cũng đã hoàn thành xong lớp đào tạo hành nghề Luật sư - cũng xem như là người có kiến thức pháp luật tốt - thế mà lại trở thành bị cáo, chịu mức hình phạt lên đến 17 năm tù?
Bị cáo Tạ Yến Oanh tại phiên tòa sơ thẩm.
TRẢ GIÁ VÌ LÁCH LUẬT
Bị cáo Tạ Yến Oanh đã hoàn thành lớp đào tạo luật sư, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, tháng 3/2018, bị cáo Oanh ký hợp đồng cộng tác với Văn phòng Luật sư T.V.L. Công việc chính là tham gia tư vấn pháp luật cho khách hàng của văn phòng luật sư; quản lý chi nhánh; giải quyết các công việc của chi nhánh theo ủy quyền của Trưởng Văn phòng Luật sư T.V.L.
Thế nhưng, khi tiếp xúc với khách hàng đến văn phòng, bị cáo Oanh đều xưng danh là luật sư, in danh thiếp “Luật sư Tạ Yến Oanh” đưa cho khách hàng. Bị cáo còn lấy danh nghĩa của Văn phòng Luật sư T.V.L để ký hợp đồng pháp lý với nhiều người, không thông qua ông T.V.L. Vì luật quy định, với người chưa được cấp thẻ hành nghề Luật sư, không thể tham gia tố tụng với tư cách luật sư, để lách luật và kiếm tiền từ hoạt động dịch vụ pháp lý, bên cạnh việc làm giả con dấu của luật sư T.V.L, bị cáo Oanh còn hướng dẫn các khách hàng làm hợp đồng ủy quyền để bị cáo làm người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án, vụ việc ở lĩnh vực dân sự, hành chính. Đối với vụ án hình sự, Tạ Yến Oanh ký hợp đồng pháp lý và nhận đủ tiền của khách hàng nhưng không cử luật sư bào chữa theo thỏa thuận hợp đồng đã ký. Vì không phải luật sư, trong nhiều vụ việc, bị cáo nhận tiền của khách hàng nhưng không thể thực hiện trọn gói hợp đồng. Bị cáo chỉ làm một số thủ tục nhằm tạo lòng tin cho khách hàng, chứ không tham gia tố tụng như đã thỏa thuận.
BÀI HỌC CHO NHIỀU NGƯỜI
Đối với nhiều bị hại có mặt tại phiên tòa hôm ấy, điều họ bức xúc nhất chính là lòng tin với bị cáo bị lợi dụng. Nhóm bị hại P.K.L, những người bị Oanh lừa để lấy số tiền lên đến gần 900 triệu đồng vẫn run giọng tại tòa khi trình bày ý kiến. Bà K.L nói: “Bị cáo hứa hẹn đủ điều, mỗi lời hứa đều là thực hiện đúng theo mong muốn của chúng tôi liên quan đến vụ tranh chấp. Hơn nữa, bị cáo làm việc ở văn phòng luật sư, là người am hiểu pháp luật nên chúng tôi mới tin tưởng mà đưa tiền”.
Đa số các văn bản khi ký với khách hàng, bị cáo Oanh cam kết thực hiện công việc đạt theo mong muốn của khách hàng, nhưng thực tế không có vụ án, vụ việc nào có được kết quả như đã cam kết. Ngoài ra, bị cáo Oanh còn lấy danh tính một số người có chức danh, chức vụ của ngành Tòa án các cấp, khoe có các mối quan hệ với họ để tăng sự tin tưởng của đương sự, bị can, bị cáo, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Cũng ở phiên tòa, khi được hỏi bị cáo cảm thấy như thế nào khi bản thân hiểu biết pháp luật mà lại vi phạm pháp luật như thế, bị cáo đã trả lời rằng, ban đầu, những việc bị cáo làm đều không có ý định lừa đảo ai. Tuy nhiên, do kẹt tiền, bị vây trong vòng xoáy nợ nần, nên bị cáo đã không thể dừng lại được. Giờ bị cáo mới nhận ra, trong nhiều câu chuyện đó, lẽ ra, bị cáo không được làm như vậy. Nhưng hối hận thì đã muộn màng.
KIM PHƯỢNG