Bạo lực học đường: Pháp luật cần xử lý mạnh tay!
Mấy ngày gần đây, trên địa bàn TP. Bạc Liêu, câu chuyện râm ran mà người ta nghe nhiều nhất chính là việc các em học sinh đánh nhau. Một clip được lan truyền về hành vi đánh bạn học như trên “phim hành động” gây bức xúc cho rất nhiều người. Và câu hỏi mà nhiều phụ huynh, học sinh đặt ra là hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào?
Minh họa: Internet
Một số người đồng tình ủng hộ với cách xử lý của ngành Giáo dục, lập biên bản, buộc học sinh viết tự kiểm…, nhưng cũng có không ít phụ huynh, học sinh bức xúc cho rằng, với hành vi đánh bạn như thế, thì cách xử lý này là quá nhẹ, không đảm báo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa cho một thực trạng đang hết sức đáng báo động - bạo lực học đường.
Những tổn thương về thân thể, về tâm sinh lý, đâu dễ cân đong đo đếm. Những hành vi đánh bạn dã man như thế, sao có thể được coi là nhẹ nhàng, là học trò… giỡn với nhau. Nó cần phải được pháp luật xử lý đến nơi đến chốn, thì mới mang tính răn đe, giáo dục cao.
Vấn đề này pháp luật cũng đã có những quy định rất rõ ràng. Hành vi đánh nhau được hiểu là hành vi dùng vũ lực tác động vào người khác, hành vi này có thể gây ra thương tích cho người bị tác động hoặc không tùy thuộc vào mức độ, tính chất khác nhau. Đối với học sinh, khi đánh nhau ở trong phạm vi trường học hay ngoài phạm vi trường học thì đều được coi là hành vi đánh nhau của học sinh.
Điều 37 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có quy định về các hành vi học sinh không được làm, trong đó có quy định cấm học sinh xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng và học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hành vi đánh nhau là một trong các hành vi bị cấm đối với học sinh kể cả trong trường học và ngoài phạm vi trường học. Và đương nhiên, nếu vi phạm, học sinh sẽ phải bị kỷ luật, thậm chí chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu rơi vào các điều luật đó.
Khoan hồng là cần thiết, nhưng giáo dục cũng cần phải nghiêm khắc để tránh nhiều người, nhất là những người trẻ ngộ nhận, tự cho mình có quyền đứng trên luật pháp, hay tự cho mình còn là học sinh nên được quyền miễn trừ, từ đó không biết sợ ai. Đã có không ít trường hợp, không chỉ học sinh đánh học sinh, mà học sinh còn đánh cả thầy cô giáo, chỉ vì nghĩ rằng, mình được pháp luật miễn trừ do chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Điều này còn đáng sợ và nguy hiểm hơn những tội phạm khác.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải xử lý mạnh tay với những học sinh xem trường học là “sàn diễn” để tụ tập băng nhóm theo kiểu xã hội đen, coi thường quy tắc của nhà trường, xem thường sức khỏe, tính mạng của bạn học. Đối với những học sinh này, cần có một môi trường giáo dưỡng khác, nghiêm khắc hơn, chứ không thể cứ vi phạm từ lớp này thì chuyển sang lớp khác, rồi mọi chuyện lại đâu vào đó. Thậm chí, kẻ đánh bạn vẫn nhởn nhơ tự đắc tại trường cũ, còn em học sinh bị bạo lực học đường phải chuyển trường, chuyển lớp để bảo toàn tính mạng.
KIM KIM
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu