Bẫy chuột bằng điện gây chết người: Chuyện đau lòng vẫn diễn ra ở nông thôn
Thỉnh thoảng, ở các vùng nông thôn, người ta vẫn nghe những câu chuyện đau lòng về cái chết vì điện do bẫy chuột. Những cái chết bất ngờ, đau xót cho người thân của nạn nhân; tai hại (vì vướng tù tội) cho người bẫy chuột đó đây vẫn cứ tái diễn.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần sử dụng các biện pháp an toàn để bảo vệ trà lúa. Ảnh: K.P
DÙNG BIỆN PHÁP TIÊU CỰC ĐỂ BẢO VỆ MÙA MÀNG
Cuộc sống của người nông dân gắn với ruộng đồng, mùa màng bội thu là cuộc sống khấm khá, bằng ngược lại thì sẽ rất khó khăn. Do đó, làm sao để bảo vệ mùa màng tốt đẹp trở thành một trong những nhiệm vụ sống còn với họ. Và nạn chuột phá đồng luôn là nỗi lo âu, thậm chí bức xúc của không ít nông dân, khi những cánh đồng màu mỡ bỗng chốc bị phá tan hoang vì chuột. Có nhiều phương pháp để diệt chuột phá đồng ruộng, nhưng không ít người lại chọn cách tiêu cực là giăng bẫy điện để diệt.
Ngày 16/4, trong lúc đi xiệt cá, ông V.V.V (48 tuổi) không may đạp phải đường dây điện do ông L.V.K (43 tuổi, cùng ngụ ấp Ninh Hiệp, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) cài bẫy chuột xung quanh phần đất nhà. Vụ tai nạn khiến ông V.V.V tử vong tại chỗ, còn ông L.V.K thì bị cơ quan công an tiến hành điều tra, xử lý do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bẫy điện ngoài trời là hành vi nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn chết người. Hầu hết người sử dụng bẫy điện để diệt chuột đều nhận thức được việc bẫy điện là nguy hiểm đến tính mạng của người khác nếu chẳng may mắc phải dây điện. Tuy nhiên, họ lại chủ quan cho rằng, bản thân có thể kiểm soát được thời gian cũng như việc đặt bẫy. Thường họ sử dụng bẫy vào ban đêm (thời gian hiếm có người xuất hiện ngoài đồng ruộng) và canh gác để tránh trường hợp người lạ xuất hiện xung quanh bẫy. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro và những trường hợp bất ngờ không ai dự tính được, như vụ việc đau lòng mới xảy ra tại huyện Hồng Dân là một ví dụ.
NGHIÊM CẤM DÙNG ĐIỆN ĐỂ BẪY, BẮT ĐỘNG VẬT HOẶC LÀM PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ
Luật Điện lực có quy định, nghiêm cấm sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ; trừ trường hợp có sự cho phép của Nhà nước theo các quy định chặt chẽ. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình mới có thẩm quyền quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.
Hiện tại, hành vi sử dụng điện bẫy chuột (chủ yếu là để bảo vệ mùa màng) là hành vi vi phạm, bị pháp luật nghiêm cấm; nếu để xảy ra chết người có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ dân chỉ nên triển khai những biện pháp bẫy chuột sinh học kết hợp thủ công an toàn, hiệu quả và tuyệt đối không được sự dụng biện pháp dòng điện như trên.
Bên cạnh đó, người dân nếu có việc phải ra đồng vào ban đêm, nên cẩn thận quan sát và mang theo ủng, găng để chống giật điện nếu chẳng may vướng phải dây điện. Cũng cần nói thêm, không ít nạn nhân của các vụ bẫy điện lại chính là những người dùng dòng điện đi xiệt cá ban đêm. Hành vi dùng điện xiệt cá cũng bị pháp luật nghiêm cấm, do đó, họ cũng thường đi lén lút vào ban đêm và đôi khi, họ lại trở thành nạn nhân của chính dòng điện ấy.
KIM PHƯỢNG
- Tạo nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn
- Bạc Liêu: Định hình phát triển từ những quyết sách
- Thăm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện Hòa Bình
- Giải Bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu: Thành công tốt đẹp!
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long