Bỏ các thủ tục đất đai gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp
Có một thực tế vẫn luôn diễn ra liên quan đến các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, chính là tình trạng nhiêu khê, rườm rà, thậm chí là chồng chéo nhau giữa các quy định pháp luật về đất đai. Đây cũng là lý do, trong khi chờ đợi Quốc hội bàn bạc, cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật Đất đai, Bộ TN-MT đã ban hành công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay những nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Giờ làm việc tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Bạc Liêu (hình ảnh chỉ mang tính minh họa, không liên quan bài viết). Ảnh: K.K
Giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng
Trong đó vấn đề nhức nhối nhất vẫn liên quan đến cải cách thủ tục đất đai và công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ, sổ hồng). Bộ yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân, không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận giải quyết hồ sơ làm phát sinh các tiêu cực nhũng nhiễu, gây bức xúc trong Nhân dân. Rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về TTHC được ban hành tại địa phương không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.
Chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp GCN; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp GCN, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng. Quan tâm đến công tác đăng ký đất đai, đặc biệt là công tác đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất chưa đăng ký và đối với đất được giao để quản lý; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm đối với các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết.
Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp phải xử lý đến nơi đến chốn
Trước thực trạng giá đất ở các nơi tăng cao, nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng đã bị các đối tượng, cá nhân, tổ chức bằng nhiều con đường, đã và đang san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, ruộng đồng, bờ sông, bờ suối... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật gây phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch, Bộ TN-MT yêu cầu các tỉnh, thành phố phải tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để.
Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, các dự án chậm làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, các công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công tác xác định giá đất, công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương.
Tổ chức thanh tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để làm căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kim Kim
- Công bố các quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp bộ máy và công tác cán bộ
- Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương Hệ thống điều phối dữ liệu y tế
- Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải năm 2025
- Huyện Phước Long: Tuyển chọn 176 công dân nhập ngũ năm 2025
- Triển khai nhiệm vụ năm 2025 về thực hiện Đề án 06/CP