Các biện pháp thi hành Luật Khiếu nại theo Nghị định 124
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020, thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP. Trong đó, Nghị định số 124 quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại như hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC KHIẾU NẠI
Hình thức khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại (gồm khiếu nại bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp). Đối với việc khiếu nại lần hai, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại.
Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật.
Tiếp công dân tại trụ sở Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Ảnh: K.K
NHIỀU NGƯỜI CÙNG KHIẾU NẠI VỀ MỘT NỘI DUNG
Khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Tuy nhiên, người đại diện cũng phải là người khiếu nại. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đại diện của mình. Trường hợp có từ 5 - 10 người khiếu nại thì cử không quá 2 người đại diện; Trường hợp có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện nhưng không quá 5 người.
Nghị định số 124 còn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung ở cấp xã, huyện, tỉnh, cơ quan Trung ương từ Điều 8 đến Điều 12 của Nghị định này.
KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị đơn vị sự nghiệp công lập, người có thẩm quyền trong đơn vị sự nghiệp công lập xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại thông qua nhiều giai đoạn, từ thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại; tiến hành xác minh nội dung khiếu nại đến ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại; và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Thời hạn giải quyết trong 10 ngày làm việc, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
KIM KIM
- Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh: Kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở lợi dụng kinh doanh để hoạt động tệ nạn xã hội
- Hơn 1.500 học sinh tham gia chương trình “Đại sứ Shopee - Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025
- Triển khai nhiệm vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2025
- Huyện Đông Hải: Bàn giao nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ tại xã Long Điền Tây
- TP. Bạc Liêu: Sẽ triển khai xây dựng 2 khu nhà ở xã hội trong năm 2025