Cải cách hành chính: Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức
Kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) hàng năm là nguồn thông tin quan trọng giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận biết được những mặt mạnh, mặt yếu của mình trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC. Từ đó tác động tích cực đến công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong những năm tiếp theo.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa UBND Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Qua kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2020 cho thấy, phần lớn các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có sự chuyển biến tích cực, điểm số ở các lĩnh vực tương đối đồng đều nhau. Cụ thể, có 3 cơ quan đạt trên 90%; 15 cơ quan, đơn vị đạt từ 80 - dưới 90%; các cơ quan, đơn vị còn lại đều có chỉ số trên 65%. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều có sự năng động, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, có sự kiểm tra, thống kê báo cáo đầy đủ nội dung theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ, của tỉnh. Thông qua kết quả đánh giá, có nhiều cơ quan, đơn vị có cải thiện về thứ hạng và điểm số. Điển hình là Sở Y tế từ vị trí thứ 12 vươn lên vị trí thứ 9, Sở Công thương từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 5, huyện Hồng Dân từ vị trí thứ 3 lên vị trí thứ 2, huyện Đông Hải từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3…
Kết quả trên cho thấy các cơ quan, đơn vị đã có nhiều sự nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện công tác CCHC, phần lớn điểm số tại các nội dung đều được cải thiện khá cao so với năm 2019. Đơn cử như công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật hầu hết đều có điểm số từ 90 - 100%; công tác tổ chức bộ máy hành chính nhà nước có điểm số từ 81,25 - 100%; cải cách tài chính công đạt 100%.
Tuy nhiên, qua kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2020 vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa có sự chỉ đạo sâu sát, chưa bám chặt vào các nội dung chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ, của tỉnh, do đó điểm số năm 2020 bị giảm đáng kể. Các đơn vị bị giảm mạnh như Sở NN&PTNT từ vị trí thứ 8 xuống vị trí thứ 13, TP. Bạc Liêu từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 7... Điều này thể hiện việc triển khai thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa đồng bộ, chưa thật sự mang lại hiệu quả cao.
Thực tế trên đã chứng minh rằng, nếu yêu cầu về công tác CCHC của tỉnh ngày càng cao, thì đòi hỏi công tác này của các cơ quan, đơn vị, địa phương nói chung cần phải liên tục đổi mới, không thể “dậm chân tại chỗ”. Đặc biệt là chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC, đẩy mạnh triển khai cả 6 nội dung cải cách theo quy định của Chính phủ. Trong đó, hiện đại hóa hành chính cần phải được quan tâm đầu tư, triển khai mạnh mẽ hơn nữa, gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao trình độ, kỹ năng, đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý, sử dụng, đánh giá… đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng cần phải được quan tâm hơn nữa.
Việc xác định được nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng CCHC là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, mới có thể đề xuất các giải pháp cần thiết trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC hàng năm để nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai, qua đó duy trì hoặc cải thiện chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị.
HỒNG TƯƠI (Sở Nội vụ)
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng