Cần tăng mức chi thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở
Hòa giải ở cơ sở không phải là một thủ tục bắt buộc, nó mang tính tự nguyện khi cả hai bên có mâu thuẫn, tranh chấp đồng ý tiến hành hòa giải. Tuy chỉ là hoạt động mang tính tự nguyện, nhưng việc hòa giải ở cơ sở mang nhiều ý nghĩa. Thông qua hòa giải mà nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở được giải quyết nhanh gọn lẹ, xóm làng bình yên thuận hòa, xã hội ổn định.
Hòa giải viên ở cơ sở của TP. Bạc Liêu báo cáo tình hình hoạt động trước Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Ảnh: K.P
Để động viên, khích lệ hòa giải viên, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định hòa giải viên có quyền “hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải”. Quy định này đã được cụ thể trong Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP. Từ những quy định này, nhiều năm qua, các tổ hòa giải cơ sở đã được hưởng thù lao cả trong trường hợp hòa giải thành và hòa giải không thành. Mức chi thù lao cho hòa giải viên tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải thành; 150.000 đồng/vụ, việc hòa giải không thành. Tại Bạc Liêu, thời gian qua cũng thực hiện chi hỗ trợ cho các hòa giải viên cơ sở theo mức này.
Tuy nhiên hiện nay, mức chi hỗ trợ này đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, chưa nói là quá thấp. Qua nhiều lần khảo sát, kiểm tra từ các tổ, nhóm hòa giải cơ sở ở tất cả các địa phương trong tỉnh, vấn đề được nghe các hòa giải viên cơ sở ý kiến nhiều nhất cũng chính là mức chi hỗ trợ đã không còn phù hợp. Dù rằng, việc tham gia hòa giải ở cơ sở là dựa vào tinh thần tự nguyện, nhưng chỉ tính chi phí mời đến họp, tổ chức buổi hòa giải như nước uống, rồi phô-tô tài liệu, giấy bút… cũng đã tiêu tốn không ít tiền. Đó là còn chưa nói, nhiều vụ việc phức tạp, hòa giải viên phải đi lại nhiều lần, gặp gỡ nhiều người. Việc quy định hỗ trợ này còn không phân biệt công sức của các tổ hòa giải, nhất là với các vụ việc phức tạp. Bởi có những vụ việc hòa giải viên tiến hành hòa giải thành rất nhanh, dễ dàng, song cũng có những vụ việc phải mất rất nhiều công sức, thời gian đi lại để gặp gỡ các bên liên quan tranh chấp, tìm hiểu quy định pháp luật liên quan.
Và mới đây nhất, Nghị định 16 hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định, hòa giải viên của tòa án sẽ được trả thù lao theo từng vụ việc sau khi đã tiến hành phiên hòa giải, đối thoại. Mức thù lao cụ thể trong khung từ 1 triệu đồng/vụ việc đến tối đa 1,5 triệu đồng/vụ việc. Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn chi trả mức thù lao cụ thể căn cứ vào số lượng phiên hòa giải, đối thoại và tính chất phức tạp của vụ việc hòa giải, đối thoại.
So sánh có vẻ khập khiễng bởi 2 loại hòa giải là khác nhau, một bên là tự nguyện còn một bên là bắt buộc trong tố tụng. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, thì kết quả cuối cùng của hòa giải vẫn là mục đích đạt được. Cho nên, mức thù lao chi cho các hòa giải viên ở cơ sở lại chênh lệch quá lớn, thật khó để khuyến khích, động viên họ.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thiết sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn, tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện và đặc biệt là tạo công bằng hơn trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Và kinh phí để cấp cho hoạt động này cũng cần được quan tâm một cách thấu đáo hơn, bởi thực tế cũng có không ít nơi, dù chi với mức chỉ 200.000 đồng nhưng vẫn rất khó khăn mới được hưởng.
KIM KIM
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới