Cảnh giác những thủ đoạn lừa đảo dịp cuối năm
Thời điểm cuối năm, các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý cần tiền mua sắm Tết của mọi người để giăng bẫy với những chiêu trò lừa đảo hết sức tinh vi. Người dân cần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò này.
Người dân cần đề cao cảnh giác trước các loại tội phạm lừa đảo dịp cuối năm. Ảnh: C.L
Càng về cuối năm, các hình thức lừa đảo càng nở rộ. Phổ biến nhất là mạo danh nhân viên bưu cục, giao hàng… để gọi điện thông báo cho người dân về việc họ có một bưu phẩm, kiện hàng được người quen gửi và cần cung cấp một số thông tin cá nhân để làm thủ tục xuất kho, nhận hàng…
Ngoài ra, trên các trang mạng, diễn đàn còn rộ lên tình trạng đổi tiền cũ lấy tiền mới. Các đối tượng thường yêu cầu người có nhu cầu đổi tiền mới phải chuyển trước một khoản “làm tin” thì bọn chúng mới đi đổi tiền mới và bàn giao. Nếu nhẹ dạ cả tin, chuyển tiền trước thì chắc chắn mất “tiền cũ” và tiền mới cũng chẳng thấy đâu.
Dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, bởi những chiêu trò quá tinh vi của bọn lừa đảo cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa ra các khuyến cáo, nhấn mạnh người dân cần cảnh giác, tránh xa các giao dịch mập mờ, kiểm tra thông tin từ nguồn chính thống và tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để bảo vệ tài sản và dữ liệu cá nhân. Bộ TT-TT còn chỉ ra cách thức thực hiện và cách ứng phó của người dân trong từng trường hợp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã phát đi cảnh báo với khách hàng về phương thức hoạt động, thủ đoạn để có hướng xử lý kịp thời khi phát hiện mình bị các đối tượng lừa đảo tấn công.
Hiện tại, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân có tâm lý hám lợi, ý thức tự bảo vệ tài sản, bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế... Một số quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông... còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, chưa được sửa đổi, bổ sung. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chưa cao. Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng nhấn mạnh: “Cuối năm là dịp các đối tượng lừa đảo hoạt động rất nhiều, do đó để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống và đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ người dân có một cái Tết an toàn, vui vẻ, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, có kế hoạch ứng phó, đấu tranh bảo vệ người dân. Không để xảy ra tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân nhất là trên không gian mạng”.
Hơn bao giờ hết, người dân (đặc biệt là người cao tuổi) cần phải cảnh giác với những cuộc gọi qua điện thoại, những lời mời gọi, làm quen trên mạng xã hội, yêu cầu chuyển tiền, cung cấp mã OTP để tránh trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo dịp cuối năm.
Chí Linh
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trao tặng 100 suất quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo huyện Hòa Bình
- TX. Giá Rai: Họp mặt gia đình chính sách vùng căn cứ cách mạng nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam: Trao tặng 200 suất quà tết cho hộ nghèo và gia đình chính sách tại Bạc Liêu
- THÔNG BÁO
- Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng