Chia tay đòi quà - Được mất khó nói
Trong những ngày đầu tháng 3, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một người chồng khi mâu thuẫn với vợ, đã tính toán và yêu cầu vợ chi trả các chi phí trong cuộc sống chung của vợ chồng thì mới chịu chia tay. Trong đó có cả tiền ăn, chi phí lúc đưa vợ đi sinh đẻ, tiền mừng cưới… Sự việc này gây bức xúc trong cộng đồng, và câu chuyện chia tay đòi quà trở nên “hot” ở cả góc độ pháp lý và đạo đức xã hội.
Ai cũng biết, khi yêu thương nhau thì mọi chuyện rất đơn giản, nhưng khi chia tay, vì nhiều lý do, mâu thuẫn thì có không ít người tính toán với nhau đến từng cây kim, sợi chỉ. Có không ít trường hợp đòi lại tài sản, vật chất không hẳn vì tiền mà đòi cho… bỏ ghét. Như nhiều trường hợp ly hôn mà đòi chia tài sản, đôi khi phiên tòa trở nên hết sức nặng nề bởi những con số. Người chồng yêu cầu vợ phải trả lại tiền, vàng được cho lúc cưới, rồi các tài sản khác như xe máy, tiền chồng cho vợ, quà tặng 8/3, 20/10, ngày sinh nhật… đôi lúc cũng bị đòi lại hết. Dù hết sức uất ức, nhưng nhiều phụ nữ chọn biện pháp im lặng, thậm chí là chấp nhận trả lại những tài sản lẽ ra đã thuộc về mình, để đổi lại sự tự do.
Ở góc độ pháp lý, Luật Hôn nhân và gia đình quy định rất rõ, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nguyên tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Pháp luật cũng quy định vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Trong thời kỳ hôn nhân, những tài sản dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình sẽ là tài sản chung, không có chuyện khi ly hôn thì phải bồi thường hay trả lại. Điều này về mặt đạo đức hay pháp luật đều không hợp lý. Hơn nữa, với những tài sản là quà tặng không cần phải đăng ký quyền sở hữu thì đây được xem là tài sản riêng, đã tặng cho rồi thì không thể đòi lại.
Giống như câu chuyện kiện đòi lại tài sản xảy ra tại TP. Bạc Liêu năm 2020 mà TAND TP. Bạc Liêu đã từng thụ lý, nhân vật nam trong câu chuyện lập một danh sách đòi quà tặng, trong đó có cả những món quà thể hiện tình cảm trong quá trình yêu thương mặn nồng như nước hoa, nữ trang và công sức, tâm huyết mà anh ấy bỏ ra đóng góp cho nhân vật nữ. Những món quà vật chất được quy đổi ra tiền thì dễ, nhưng công sức, tuổi trẻ của anh ấy bỏ ra cho tình yêu, giờ đòi lại, thật cũng là bài toán khó cho tòa, bởi biết sao để tính thành tiền? Hay như trường hợp chị K.L, lấy chồng tiến sĩ nhưng sau đó mới phát hiện ra mình bị lừa vì anh tiến sĩ này có rất nhiều vợ. Trước tòa, chị yêu cầu ông chồng phải bồi thường, trả lại các khoản tiền mà chị đưa cho “chồng” để ăn học. Có khoản được tòa chấp nhận, có những khoản cũng đành ngậm ngùi vì đó là chi phí của quá trình chung sống, đòi sao được?!
Trong rất nhiều trường hợp “chia tay đòi quà” xảy ra trên thực tế, nếu những tài sản sau khi cho tặng bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu như phương tiện xe cộ, nhà cửa, đất đai đứng tên ai sẽ là của người đó. Đã có không ít trường hợp, lúc yêu nhau thì chàng trai mang xe, mua nhà tặng người yêu khiến không ít chị em vô cùng vui sướng, hạnh phúc. Thế nhưng, nếu tài sản đó vẫn đứng tên của người khác thì khi chia tay, các quý ông đòi lại tài sản, dẫu có uất ức thế nào, dẫu có ra tòa xét xử, thì phần thiệt thòi vẫn là ở người không đứng tên trên tài sản.
KIM KIM
- Khai giảng khóa đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự
- Sở NN&PTNT làm việc với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về tổ chức sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh Bạc Liêu
- Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khắc phục tâm lý “ngủ đông” của công chức, viên chức
- Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho cây lúa