Chuyển đổi số: “Cú hích” để tiến tới một chính quyền hiện đại
Thời gian qua, Bạc Liêu đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh cùng một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tốc độ truy cập và bao phủ của các mạng với đường truyền cao tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội trong công nghệ số.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh thì ở nhiều địa phương, không ít sở, ngành, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền chỉ mới ở giai đoạn khởi động.
TP. Bạc Liêu tổ chức họp trực tuyến với các phường, xã bàn giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: H.T
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ GÌ?
Thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo kiên quyết của Tỉnh ủy đối với việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Bạc Liêu có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia bằng nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cơ quan cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cơ quan cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cơ quan cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 80% dữ liệu ngành được số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ dùng chung trong toàn tỉnh và kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Sở VH-TT-TT&DL được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp việc triển khai thực hiện để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.
TỪ GÓC NHÌN THỰC TIỄN
Mới đây trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã nêu ý kiến thắc mắc liên quan đến việc cấp file mềm giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời cho các em học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 để các em có thể làm thủ tục nhập học online. Mỗi giấy chứng nhận có thể cấp mã QR hoặc mã code, không những giúp các trường đại học kiểm tra thông tin nhanh và chính xác, mà còn giảm được việc in ấn, gửi bưu điện mất thời gian, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp trong thời điểm dịch bệnh. Rất nhiều người ủng hộ quan điểm này, cho rằng nó rất cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ kỹ thuật số 4.0.
Cũng liên quan đến việc đơn giản hóa các giấy tờ, thủ tục, việc gửi thư mời, chuyển công văn giữa các cơ quan nhà nước cũng là vấn đề đáng bàn. Từ vụ việc rất nhiều người trở thành F1, F2 của một ca bệnh F0 trên địa bàn TP. Bạc Liêu do tiếp xúc gần trong quá trình giao - nhận các công văn, giấy tờ, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao những việc như thế này, chúng ta không đơn giản hóa, gửi bằng hình thức thư điện tử, công văn điện tử? Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, nhu cầu về chuyển đổi số lại càng chứng tỏ sự thích ứng và tính thiết thực hơn.
Trong một buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về tình hình chuyển đổi số và cải cách các thủ tục hành chính (TTHC), nhắc đến vấn đề đưa các TTHC lên môi trường số hóa, liên thông giữa các TTHC của các ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận và khai thác kết quả giải quyết TTHC bản điện tử, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn không hài lòng với báo cáo về kết quả thực hiện của nhiều cơ quan cấp tỉnh trong thời gian qua. Và cho đến hiện nay, vấn đề chuyển đổi số vẫn chưa thực hiện được suôn sẻ, bởi nhiều ngành, nhất là các ngành có nhiều TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp lại có tâm lý ngán ngại, không muốn “số hóa”.
Ảnh minh họa: T.L
CHÌA KHÓA CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ
Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả lĩnh vực quản lý của các cấp chính quyền, bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bạc Liêu - đó là vấn đề quan trọng để chuyển đổi số mạnh mẽ và đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn tới.
Trong đó, chìa khóa để chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan nhà nước là ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản của tỉnh, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu là đẩy mạnh, tiến tới số hóa việc trao đổi hồ sơ công việc của các cấp, mà theo đề án là hết năm 2021 phải có 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử (trừ các văn bản mật), 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc cấp huyện, 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được tạo lập, xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ công việc có nội dung mật); 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giao dịch điện tử; 100% cán bộ, công chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh trong trao đổi trong công việc.
Đối với người dân và doanh nghiệp, 100% các trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước cung cấp đầy đủ theo đúng quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo địch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 30% trở lên; 50% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4. 100% hồ sơ giải quyết TTHC được tiếp nhận, giải quyết thông qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử các cấp; hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch của Trung ương.
Tư duy đột phá từ nhận thức vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, tư duy từ người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị, các ngành trong chỉ đạo, triển khai thực hiện là cực kỳ quan trọng. Song song đó là cách làm, nơi nào đổi mới, sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi thì chắc chắn hiệu quả và sự hài lòng sẽ tăng cao. Đó cũng là những “cú hích” quan trọng để tiến tới một chính quyền hiện đại, hiệu quả vượt trội.
KIM PHƯỢNG
- Họp Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam”
- Các ngân hàng hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin cá nhân
- Công an Bạc Liêu tích cực thực hiện cao điểm “60 ngày đêm” dịch vụ công trực tuyến
- Giải quyết yêu cầu khiếu nại, tố cáo của công dân: Một năm nhìn lại