Công tác hòa giải ở cơ sở: Những khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục
Hiện nay, ở tất cả khóm, ấp trên địa bàn tỉnh đều có tổ hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HGƠCS, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.
TP. Bạc Liêu báo cáo về tình hình hòa giải ở cơ sở trong 3 năm (2018 - 2020).
THIẾU SỰ QUAN TÂM, ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ
Tỷ lệ hòa giải thành trong 3 năm qua theo số liệu báo cáo vẫn giữ nguyên ở mức trên 80%, đáp ứng yêu cầu Bộ Tư pháp đề ra. Công tác này đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình hay, tiêu biểu trong công tác HGƠCS. Cụ thể như, mô hình “tranh thủ tín nhiệm”, mô hình “hòa giải có điều kiện”, mô hình “phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ Nhân dân” (TX. Giá Rai); các tổ hòa giải phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư như mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ và pháp luật”, CLB “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”; CLB “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”, hay nhóm “Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật” (huyện Đông Hải)... Thành viên của các CLB tích cực nắm bắt tình hình dư luận trong cán bộ, hội viên, chủ động tuyên truyền pháp luật và tích cực phối hợp với Tổ HGƠCS tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, trên thực tế kết quả trên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khi công tác HGƠCS chưa được một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã quan tâm chỉ đạo đúng mức. Công tác quản lý nhà nước về HGƠCS, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, cấp kinh phí bảo đảm cho công tác HGƠCS, việc thực hiện các thủ tục hành chính về công tác HGƠCS, chất lượng và hiệu quả công tác HGƠCS ở một số nơi chưa cao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác HGƠCS trong công tác quản lý nhà nước và đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về HGƠCS; chưa quan tâm chỉ đạo, có giải pháp để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn. Mặc dù luật đã có hiệu lực 8 năm, nhưng hiện nay một số địa phương, ngành vẫn chưa hiểu hết bản chất, quy định đối với công tác HGƠCS, còn nhầm lẫn giữa hòa giải ở cấp xã và HGƠCS nên trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quản lý về HGƠCS còn nhiều sai sót, hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác HGƠCS đôi lúc chưa thật chặt chẽ.
Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa được UBND cấp huyện quan tâm tổ chức thực hiện mà chủ yếu trông chờ vào Sở Tư pháp tổ chức. Trong khi theo quy định của Luật HGƠCS và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đây là nhiệm vụ của UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, liên quan đến nguồn kinh phí, ngành Tư pháp cũng không tổ chức được hội thảo tổng kết kinh nghiệm, cách làm hay và các mô hình hay để từ đó xây dựng, nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh, chưa xây dựng được mô hình điểm của tỉnh.
Triển khai pháp luật cho các tổ hòa giải cơ sở ở xã Phong Tân (TX. Giá Rai) (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: K.K
CHUYÊN NGHIỆP HÓA ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN
Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh mặc dù hàng năm đạt trên 80%, nhưng so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn thấp. Công tác sơ kết, tổng kết xét khen thưởng hàng năm của UBND cấp huyện, cấp xã đối với các tổ hòa giải và hòa giải viên chưa được quan tâm thực hiện nên chưa khuyến khích, động viên cho các hòa giải viên. Việc quản lý, sử dụng, ghi chép sổ theo dõi hoạt động HGƠCS của các tổ hòa giải còn sơ sài, chưa thể hiện nội dung của vụ việc hòa giải, thậm chí một số tổ HGƠCS còn làm mất sổ theo dõi hoạt động HGƠCS, khi có vụ việc phát sinh phải ghi chép lại bằng giấy kẻ ngang. Đội ngũ hòa giải viên chủ yếu là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, năng lực không đồng đều và thường xuyên bị biến động nên ảnh hưởng đến công tác HGƠCS.
Hòa giải viên đa số là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trình độ, kỹ năng hạn chế, điều kiện cập nhật kiến thức pháp luật khó khăn, chưa đầy đủ nên còn nhiều hạn chế trong việc vận dụng pháp luật vào công tác hòa giải. Một số còn có tâm lý cho rằng việc hòa giải là việc có cũng được, không có cũng không sao nên thiếu nhiệt tình trong việc hòa giải, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hòa giải. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình, trách nhiệm chưa cao trong hoạt động hòa giải nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn dân cư.
Để có giải pháp khắc phục, ngành Tư pháp đề ra phương hướng kiến nghị sửa đổi Luật HGƠCS nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác này, nhất là trong thực tiễn, để từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên. Vấn đề quan trọng vẫn là việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải và cung cấp tài liệu phục vụ công tác HGƠCS cho các hòa giải viên.
Song song đó là nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác HGƠCS đối với đời sống xã hội, nhất là sự quan tâm của chính quyền cấp huyện. Có các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện từng địa bàn, nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số mô hình hay và nhân rộng các mô hình hay, cách làm có hiệu quả; khuyến khích các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các xã, phường, thị trấn để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HGƠCS.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ HGƠCS cho hòa giải viên hàng năm phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Tạo điều kiện cho các tập huấn viên, hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn do Sở Tư pháp tổ chức. Không được quy định hoặc yêu cầu thêm bất cứ thủ tục, giấy tờ nào khác, nếu có vướng mắc, chồng chéo liên quan đến hoạt động HGƠCS. Kịp thời khen thưởng đối với tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác HGƠCS nhằm biểu dương, động viên, khích lệ hòa giải viên và tổ hòa giải có đóng góp tích cực cho công tác hòa giải.
Kim Phượng
- Sở LĐ-TB&XH: Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2025
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng