Công tác hòa giải trước xét xử: Góp phần giảm mâu thuẫn trong Nhân dân
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Vụ việc cũng không cần trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Tại Bạc Liêu, công tác hòa giải trước xét xử đang ngày càng được quan tâm chú trọng hơn nhiều.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hòa giải viên do TAND tỉnh tổ chức (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: K.K
Kể từ khi áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, để triển khai, thi hành luật, TAND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa các hướng dẫn của TAND tối cao để lãnh đạo Tòa án hai cấp trong tỉnh tổ chức thi hành và thực hiện nghiêm túc Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. TAND tỉnh cũng đã chủ động tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng đơn vị để kịp thời đề xuất đầu tư kinh phí triển khai thi hành luật; đề xuất với Tỉnh ủy Bạc Liêu bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bạc Liêu. Song song đó, tổ chức thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin, đại chúng; cử cán bộ Tòa án trực tiếp đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để thông báo nhu cầu tuyển chọn hòa giải viên (HGV). Qua đó lựa chọn những người có đủ điều kiện dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do Học viện Tòa án tổ chức; thành lập Hội đồng tư vấn, tuyển chọn HGV, thực hiện các quy trình bổ nhiệm HGV theo đúng quy định. Đến nay, Tòa án hai cấp đã bổ nhiệm được 39 HGV. Tính đến hết ngày 31/12/2021, TAND hai cấp đã tiếp nhận 8.521 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, trong đó, có 687 đơn đủ điều kiện và đương sự có yêu cầu hòa giải, đối thoại; kết quả, HGV đã hòa giải thành, đối thoại thành 588 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,6%.
Hòa giải, đối thoại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại đã góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải đưa ra xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, vụ việc được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của người dân và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy đối với Tòa án, đổi mới tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp cơ bản, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Kim Kim
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới