Công tác pháp chế tỉnh Bạc Liêu: Còn nhiều bất cập
Sau 6 năm tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, công tác pháp chế của tỉnh Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao một bước…
Sở Tư pháp triển khai các văn bản pháp luật mới. Ảnh: T.Sơn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, bất cập. Việc kiện toàn tổ chức pháp chế chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Theo Nghị định, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải thành lập được Phòng pháp chế và căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc thành lập Phòng pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài các cơ quan chuyên môn trên. Tuy nhiên, hiện nay 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải thành lập Phòng pháp chế vẫn chưa thành lập được. Để thực hiện nhiệm vụ pháp chế, các sở phải phân công công chức phụ trách kiêm nhiệm. Đối với các doanh nghiệp do tỉnh quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp quản lý kiêm nhiệm công tác pháp chế.
Mặt khác, trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm công tác pháp chế hiện nay chưa được đảm bảo. Theo Nghị định, tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải thực hiện 10 chức năng, nhiệm vụ như: Phụ trách công tác xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; bồi thường nhà nước; thi đua khen thưởng; tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng… Cho nên, đội ngũ làm công tác pháp chế phải có trình độ hiểu biết pháp luật. Theo Nghị định, công chức pháp chế phải có trình độ cử nhân Luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân Luật trở lên và có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay công chức phụ trách công tác pháp chế của tỉnh chủ yếu kiêm nhiệm, không có trình độ cử nhân Luật và chưa được đào tạo về nghiệp vụ công tác pháp chế, thường xuyên có sự thay đổi vị trí công tác. Việc theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát về tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế chưa có cơ chế rõ ràng, chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả triển khai công tác pháp chế.
Để thực hiện tốt Nghị định 55/2011/NĐ-CP, trong thời gian tới, Trung ương cần có giải pháp, cơ chế và văn bản hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác pháp chế để các địa phương có đủ điều kiện thành lập tổ chức pháp chế, cũng như đảm bảo tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế. Đồng thời, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác pháp chế; biên soạn sách, tài liệu, sổ tay về kỹ năng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế nhằm đảm bảo cho việc tổ chức, thực hiện công tác pháp chế được đồng bộ, thống nhất và hiệu quả cao.
KIM OANH (Sở Tư pháp)
- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Nguyễn Đình Khang trao tặng 20 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Bạc Liêu
- Vĩnh Lợi và Hòa Bình: Thành lập 4 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện
- Tập huấn “Xác thực hàng hóa quốc gia tích hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm”
- Chấm ảnh, xét giải Cuộc thi Ảnh thời sự - nghệ thuật về nghề làm muối
- TP. Bạc Liêu: Sẽ xây dựng vùng trồng rau an toàn ở 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông