Công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại TAND TP. Bạc Liêu
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Tuy luật quy định như thế, nhưng không phải đối tượng nào được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cũng nắm rõ được quyền lợi của mình, nhất là khi họ luôn là những lực lượng yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng, để hoạt động TGPL thật sự phát huy được vai trò của mình.
Tại Tòa án nhân dân (TAND) TP. Bạc Liêu, đơn vị đã thực hiện khá tốt nội dung và trách nhiệm phối hợp theo Quy chế số 01/QCPH-STP-TAND, Công văn số 244/TANDTC-PC, Công văn số 14/CV-TA. Đơn vị bố trí nơi làm việc thuận lợi và tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý trực tại TAND.
Các hoạt động như bảo trì Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL tại trụ sở Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (thẩm phán, thư ký) thường xuyên trao đổi thông tin trong thực hiện phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL thực hiện đầy đủ theo đúng quy định. Phối hợp với Trung tâm TGPL trong việc bố trí nơi làm việc thuận lợi để Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý trực tại TAND, hướng dẫn và giúp người được TGPL biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời.
Luật sư của Trung tâm TGPL tỉnh tham gia bào chữa cho các bị cáo vị thành niên tại TAND TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Qua kiểm tra ngẫu nhiên 61 hồ sơ (10 hồ sơ hình sự, 18 hồ sơ tranh chấp và 33 hồ sơ tranh chấp ly hôn), có 48/61 hồ sơ được giải thích về quyền được TGPL theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông số 10, đảm bảo các yêu cầu cho đối tượng được TGPL.
Thời gian qua, người tiến hành tố tụng trong quá trình được phân công thụ lý vụ án, vụ việc thường xuyên trao đổi với trợ giúp viên pháp lý trực tại đơn vị về công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Đồng thời, hướng dẫn người dân liên hệ trực tiếp trợ giúp viên pháp lý trực tại đơn vị hoặc đến Trung tâm TGPL để thực hiện việc kiểm tra đối tượng thuộc diện được TGPL và giải thích về quyền được TGPL. Từ đó, tiếp nhận thủ tục yêu cầu TGPL khi thuộc diện được TGPL, cụ thể người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã hướng dẫn 53 lượt người liên hệ trực tiếp TGPL.
Nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện và thực chất trong công tác phối hợp thực hiện TGPL trong thời gian tới, bên cạnh những việc đã thực hiện tốt, Trung tâm TGPL mong muốn các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Trung tâm để hoạt động TGPL trong tố tụng đạt chất lượng, hiệu quả hơn. Quan tâm, phối hợp hơn nữa, tạo điều kiện cho các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước trực tại TAND để người được TGPL biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời.
Đặc biệt, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng như thẩm phán, thư ký, điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện tốt việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL đối với những người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, yếu thế trong xã hội,... đến Trung tâm TGPL nhà nước, không để bỏ sót diện người được TGPL.
CHÂU PHI ĐÔ
- Hồng Dân, Đông Hải triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Họp Tiểu ban Hậu cần, Lễ tân, An ninh trật tự phục vụ Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025
- Hơn 24,7 tỷ đồng hỗ trợ cho khuyến học, khuyến tài
- Tăng cường đấu tranh với các tệ nạn trá hình trong lễ hội tháng Giêng
- Ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan đầu năm mới