Đảm bảo quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý tại tòa án
Nhằm bảo đảm tiếp cận trợ giúp pháp lý (TGPL) kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL; tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia các phiên tòa, phiên họp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng; bảo đảm người thuộc diện TGPL được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ pháp lý theo quy định, từ tháng 9/2022, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh và Sở Tư pháp đã ký kết thỏa thuận về việc bố trí người thực hiện TGPL trực tại tòa án.
Niêm yết thông tin về TGPL tại TAND huyện Phước Long. Ảnh: K.K
TĂNG CƯỜNG NHIỀU CÁCH TIẾP CẬN DỊCH VỤ TGPL
Thời gian triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2022 - 2026, địa điểm thực hiện là TAND tỉnh và TAND các huyện, thị xã, thành phố. Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Tư pháp và TAND tỉnh thống nhất quyết định chọn TAND huyện, thị xã, thành phố để trực tại trụ sở tòa án và trực qua điện thoại. Công chức tiếp dân tại trụ sở tòa án khi phát hiện người thuộc diện TGPL như hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người,… hoặc người thân thích của họ thì phải thông tin cho người trực của Trung tâm TGPL hoặc cung cấp số điện thoại cho người trực của Trung tâm TGPL nhà nước để liên hệ.
Quyền tiếp cận TGPL tại tòa án đảm bảo làm sao để trong các vụ việc mà TAND thụ lý, đương sự, người thuộc diện TGPL được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời, nhất là các đối tượng là người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác.
CƠ CHẾ TIẾP NHẬN YÊU CẦU
Người tiến hành tố tụng, công chức tòa án làm việc tại các bộ phận tiếp nhận đơn có trách nhiệm giới thiệu những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người,… hoặc người thân thích của họ (nếu có) liên hệ gặp người trực của Trung tâm TGPL nhà nước, đồng thời gửi kèm thông tin, thông báo về TGPL theo mẫu cho người trực của Trung tâm TGPL để giải quyết vụ việc TGPL và thực hiện việc ghi chép, thống kê vào sổ trực TGPL (theo mẫu của Bộ Tư pháp), thực hiện các công việc khác phát sinh từ hoạt động trực. Nếu trực qua điện thoại thì cần hướng dẫn đối tượng thuộc diện TGPL đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực và liên hệ để thực hiện các hoạt động TGPL.
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với TAND tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch phối hợp; chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý khác để triển khai thực hiện. Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm lập dự toán, phân công người trực, thực hiện chi trả bồi dưỡng, thù lao chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện TGPL cho người trực. Thống kê, vào sổ trực TGPL tại tòa; đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện ở địa phương và đề xuất giải pháp gửi Bộ Tư pháp.
Việc tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với TAND vừa tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL sớm tiếp cận kịp thời đối tượng thuộc diện được trợ giúp, vừa giúp cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời, hiệu quả để họ không bị thiệt thòi khi có việc liên quan đến các cơ quan tố tụng.
KIM KIM
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh