Đau đáu với những bản án “tái phạm”
Không ít bị cáo khi ra trước vành móng ngựa, dù đối diện với mức hình phạt tù không hề nhẹ nhưng vẫn hết sức… dửng dưng bởi thành tích “vào tù ra khám” dày cộm. Những biểu hiện như thế thật đáng buồn và đáng lo ngại, bởi nó thể hiện một thực tế, việc giáo dục, cải tạo đối với một số phạm nhân, dù muốn dù không, vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả như mong đợi.
Một vụ xét xử siêu trộm tại Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.K
Trong phiên tòa xét xử bị cáo Lê Hoàng Đệ và đồng bọn (14 bị cáo) phạm các tội mua bán, tàng trữ ma túy, trộm cắp tài sản; rất nhiều trong số các bị cáo đã có “bề dày” vào tù từ 2 lần trở lên. Nhiều trong số đó vẫn còn tiền án (đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích). Như bị cáo Phạm Thanh Thoảng (ngụ ấp Phước 3B, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), có 3 tiền án về tội đánh bạc, trộm cắp tài sản, lần gần nhất là bản án của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vĩnh Lợi xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” vào tháng 8/2020, phạt 2 năm 6 tháng tù. Sau khi ra tù không bao lâu thì tiếp tục phạm tội mới.
Hay như bị cáo Đoàn Thị Ngọc Cẩm (ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) có đến 5 tiền án. Từ năm 2012 - 2016, bị TAND các địa phương: huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); TX. Giá Rai, TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu); huyện An Phú (tỉnh An Giang) xử phạt về hành vi “Trộm cắp tài sản” với các mức án tăng dần từ 1 - 7 năm tù. Nhận xét về tính chất phạm tội của bị cáo Cẩm, tại phiên tòa mới đây nhất vào tháng 9/2024, TAND TP. Bạc Liêu xét xử bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” đã xác định, bị cáo đã nhiều lần bị kết án và sau khi chấp hành xong thì lại tiếp tục thực hiện nhiều vụ trộm khác, cho thấy ý thức của bị cáo là không quan tâm đến việc sửa chữa sai lầm, xem thường pháp luật. Thậm chí, bị cáo rất nhiều lần bị xét xử, phải chấp hành nhiều bản án tù về tội trộm cắp, nhưng kết quả vẫn tiếp tục con đường phạm tội.
Việc những đối tượng phạm tội khi bị bắt, bị xử lý có nhiều tiền án, tiền sự, nhiều lần phải chấp hành hình phạt tại các trại tạm giam, trại giam trở thành một vấn đề nan giải. Đó là hiệu quả của việc cải tạo, giáo dục phạm nhân và hiệu quả thật sự của những người sau chấp hành án phạt tù, nhất là với nhóm tội phạm như xâm phạm sở hữu, tệ nạn xã hội… khi trở về với cuộc sống đời thường có thật sự hoàn lương hay không? Vì vậy, rất cần có những giải pháp hiệu quả để họ thật sự từ bỏ con đường phạm tội, thật sự trở thành những công dân có ích cho gia đình, cho xã hội!
Kim Kim